Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự kiến có khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sẽ có chế tài để chống doanh nghiệp lạm dụng, trục lợi khi thụ hưởng các gói hỗ trợ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất việc gia hạn, miễn và giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, với khoảng 220.000 tỷ đồng, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, sẽ thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp; thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của các hộ kinh doanh và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bộ Tài chính đã thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; đã trình Chính phủ sửa đổi một số Nghị định điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến, việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ ngày 1-7-2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ ngày 1-1-2021). Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15 - 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp; đồng thời, cho phép miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
“Trường hợp thực hiện từ tháng 7-2020, dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 khoảng 7.800 tỷ đồng (cả năm là 15.600 tỷ đồng)”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN; trong đó, dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
“Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10.300 tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.
Bộ Tài chính cũng rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, như: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài...; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50 - 70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng...
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, qua gói gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. 98% tổng số doanh nghiệp có nghĩa là tuyệt đại đa số doanh nghiệp sẽ được hưởng gói hỗ trợ tích cực này từ phía Nhà nước. Đây là tín hiệu rất mừng cho khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tiêu cực.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần hỗ trợ đúng đối tượng vì còn liên quan đến nhóm đối tượng và từng đối tượng. Đặc biệt, cần chống lạm dụng, trục lợi khi hưởng các gói hỗ trợ. Điều này cần được cơ quan quản lý quan tâm, thậm chí có những chế tài để làm sao hạn chế thấp nhất. Trên cơ sở rút kinh nghiệm những lần trước, việc hỗ trợ này cần phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng.
Theo “tư lệnh” ngành Tài chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 (phụ cấp cho lực lượng phòng chống dịch, tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly...), mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ NSNN cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Trong đó, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Dự kiến, trong thời gian tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.