Trả lời chất vấn của các đại biểu về ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều 7-11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận khuyết điểm trong việc có đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày luật có hiệu lực; đồng thời cho biết sẽ từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Phân cấp giúp cải cách thủ tục hành chính
Về giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; đồng thời, làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, bởi ở địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình. Việc phân cấp giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn. Tuy nhiên, khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không cũng là vấn đề được cân nhắc. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và chuyển đổi số.
Quan tâm hơn nữa giáo viên mầm non, công chức cấp xã
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cử tri phản ánh về tiền lương, thu nhập và giờ làm việc của giáo viên. Cụ thể, đối với giáo viên bậc trung học, có cơ cấu theo tiết, theo giờ; còn đối với giáo viên mầm non và bậc tiểu học thì xuyên suốt, đặc biệt là giáo viên mầm non phải làm việc từ sáng tới tối muộn, cường độ làm việc nặng nhọc nhưng tiền lương và thu nhập chưa tương xứng.
Trả lời đại biểu về chính sách tiền lương của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Nhìn tổng thể, giáo viên mầm non lương còn thấp, chỉ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc xây dựng bảng lương mới cần căn cứ theo vị trí việc làm, tính chất công việc, ưu đãi nghề... trên nguyên tắc của Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương; Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm tiền lương cơ bản, cùng phụ cấp của giáo viên cao hơn bảng lương hành chính sự nghiệp.
Thông tin về chính sách tiền lương của công chức cấp xã và công chức khác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực tế tồn tại 2 chế độ công vụ là cấp xã và cấp huyện trở lên. Đối với cán bộ, công chức cấp xã, các chế độ, chính sách cũng tương tự như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, nhưng công chức cấp xã chưa nằm trong tổng biên chế chung của hệ thống chính trị. Thời gian tới, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án liên thông công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng chế độ công vụ chung, hiện đại.
Về việc chậm trễ xây dựng vị trí việc làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, nhận định này là đúng. Đến nay, đã có 13/15 bộ hoàn thành danh mục vị trí việc làm trong các lĩnh vực chuyên ngành và đề nghị cố gắng sớm hoàn tất để triển khai đồng bộ.
58 tỉnh phải rà soát đơn vị hành chính
Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là chủ trương lớn, việc khó, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Qua tổng rà soát, cả nước có 58 tỉnh phải tiến hành rà soát 33 đơn vị hành chính cấp huyện, hàng ngàn đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng cho rằng, hơn lúc nào hết, cần tập trung tuyên truyền để thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, đã có 48/58 địa phương trong diện sắp xếp lại gửi phương án về Bộ Nội vụ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương còn lại khẩn trương gửi phương án để các bộ có ý kiến, tiến tới nhanh chóng xây dựng đề án cho việc sắp xếp.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến vị trí việc làm, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng, những giải trình của Bộ trưởng đối với các câu hỏi của đại biểu mới chỉ nói về tiến độ thực hiện vị trí việc làm. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng của vị trí việc làm mà các cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành. Theo đại biểu, cái gốc của việc xác định vị trí việc làm là phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc đó. Đặc biệt, phải có phương pháp đo lường thời gian cần có để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã dành đúng 180 phút theo dự kiến, với 70 đại biểu đăng ký chất vấn, 37 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và tranh luận. Đối với các ý kiến đại biểu chưa chất vấn và tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị gửi đến các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có liên quan để được trả lời bằng văn bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.