(HNM) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP (ngày 11-1-2019, có hiệu lực từ ngày 6-6-2019) của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công.
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). |
Thực tế việc khoán xe công được dư luận xã hội kỳ vọng là giải pháp minh bạch hóa việc sử dụng xe công, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) La Văn Thịnh để làm rõ thêm về những điểm mới của định mức khoán và hình thức khoán xe công tại các cơ quan, đơn vị.
Tiết kiệm kinh phí
- Thông tư hướng dẫn việc thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công do Bộ Tài chính vừa ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Ông có thể cho biết những nội dung cơ bản của thông tư mới này?
- Khoán xe công là một chủ trương đúng, góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình. Cuối tháng 4 vừa qua (22-4-2019), Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/ NĐ-CP. Trong đó có một số điểm đáng lưu ý là việc xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cục, vụ và tổ chức tương đương trực thuộc tổng cục, bộ, cơ quan trung ương...; việc xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
Để thuận tiện trong quá trình thực hiện, phù hợp với thực tế, nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính chỉ đưa ra các công thức xác định mức khoán làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương áp dụng cụ thể cho các đối tượng.
- Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được quy định ra sao, thưa ông?
- Theo Thông tư số 24/2019/TT-BTC, định mức sử dụng ô tô phục vụ công tác chung được chia theo nhóm. Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/đơn vị, thì bình quân 2 đơn vị sử dụng 1 xe. Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/đơn vị, thì mỗi đơn vị sử dụng 1 xe.
Riêng cục, vụ, ban... trực thuộc tổng cục và tổ chức tương đương, bình quân 3 đơn vị có số biên chế dưới 50 người/đơn vị, sử dụng 1 xe ô tô phục vụ công tác chung. Còn đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên, mỗi đơn vị sử dụng 1 xe ô tô phục vụ công tác chung.
- Được biết, Thông tư số 24/2019/TT-BTC cũng hướng dẫn việc lấy ý kiến của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp về mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
- Khi đàm phán để ký kết văn kiện dự án viện trợ không hoàn lại, thường nhà tài trợ yêu cầu phải mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án và cơ quan, đơn vị có liên quan. Vì vậy, thông tư quy định, văn bản gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp cần ghi rõ các thông tin: Sự cần thiết phải mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án; số lượng xe ô tô cần mua sắm; loại xe ô tô, giá mua xe ô tô (dự kiến); mục đích sử dụng xe ô tô…
Căn cứ quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và đặc điểm thực tế của từng dự án viện trợ không hoàn lại, Bộ Tài chính (hoặc Sở Tài chính) sẽ xem xét, có ý kiến về việc mua sắm xe ô tô đối với từng trường hợp cụ thể theo hướng hạn chế việc mua sắm xe ô tô dự án chưa thật sự cần thiết, hoặc sử dụng không hiệu quả.
Tạo bước đột phá
- Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là việc xác định khoán kinh phí sử dụng xe công cho các chức danh đủ tiêu chuẩn. Vậy, cụ thể quy định này như thế nào, thưa ông?
- Theo hướng dẫn mới của Bộ Tài chính, mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định tương ứng với hai hình thức khoán. Đó là khoán theo quãng đường thực tế và khoán gọn. Mức khoán theo quãng đường thực tế sẽ được tính theo công thức: Lấy số ki lô mét đường từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng nhân với đơn giá khoán.
Còn hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các chức danh. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, thường trực HĐND cấp tỉnh), chủ tịch hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế quyết định, hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng mức khoán gọn bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế.
Mức khoán bằng số ki lô mét đường từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại nhân với số ngày đưa đón bình quân hằng tháng và nhân với đơn giá khoán.
Đặc biệt, thông tư cũng hướng dẫn công thức tính rất cụ thể mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác theo hai hình thức là căn cứ trên số ki lô mét quãng đường thực tế và khoán gọn.
- Sau khi một số địa phương, đơn vị thí điểm mô hình khoán xe công, dư luận kỳ vọng mô hình này sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách, đồng thời tạo ra bước đột phá trong việc quản lý tài sản công. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Thực tế, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công, bước đầu cho thấy cơ chế khoán đã góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình.
Những lợi ích và ý nghĩa to lớn của cơ chế mới về quản lý và sử dụng xe công, sẽ góp phần giảm xe công và giảm số lái xe hưởng lương từ ngân sách, từ đó tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Việc khoán kinh phí sử dụng xe công cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn lạm dụng và sử dụng tài sản công; nâng cao tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Quy định này cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Hơn nữa, một phần dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước và Nhà nước đảm nhiệm sẽ chuyển cho thị trường, cho xã hội thực hiện thông qua cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công. Qua đó sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong quản lý, sử dụng xe công nói riêng, quản lý và sử dụng tài sản công nói chung. Việc làm này cũng phù hợp với tiến trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại tài chính công mà chúng ta đã, đang tiến hành.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.