(HNM) - Trước Tết Nguyên đán 2013, chuyện bóng chuyền Hà Nội sớm hợp nhất với CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PetroVietnam) đã râm ran.
Trong thời gian chờ cuộc hợp nhất, CLB Petro Vietnam vẫn đại diện cho ngành dầu khí tham dự vòng 1, Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2013. Lực lượng thuộc hàng khá cộng với sự chèo lái của HLV nổi tiếng Nguyễn Mạnh Hùng, PetroVietnam được kỳ vọng sẽ đứng thứ ba hoặc thứ nhì bảng đấu. Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi từ mùa này, Giải vô địch bóng chuyền quốc gia nói "không" với cầu thủ ngoại. Thế nhưng, kết quả thi đấu tại vòng 1 của CLB PetroVietnam lại gây thất vọng lớn, với chỉ một trận thắng nhọc nhằn trước Công an TP Hồ Chí Minh và thua Thể Công - Binh đoàn 15, Sacombank Biên phòng, Đức Long Gia Lai, Long An. Xếp áp chót vòng 1 và nếu lặp lại thành tích tương tự tại vòng 2, PetroVietnam sẽ phải thi đấu vòng tranh vé vớt. Đấy là viễn cảnh không mấy sáng sủa của đội bóng ngành dầu khí, nhất là khi họ vẫn được tiếng là bạo chi, chịu chơi.
Thực tế, từ khi thành lập đến nay, CLB PetroVietnam không thiếu tiền. Kinh phí hằng năm cho cả đội 1 lẫn tuyến trẻ luôn ở mức hàng đầu Việt Nam, đủ để họ tuyển mộ những cầu thủ ngoại và nội sáng giá cùng mức lương cao so với mặt bằng lương của bóng chuyền nước nhà. Thành tích không tốt của PetroVietnam vừa qua một phần cũng vì chuyện tương lai đội bóng vẫn chưa rõ ràng. Trong tình cảnh "cái đầu" chưa thông thì thật khó đòi hỏi cầu thủ tập trung thi đấu. Đến giờ, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra: Liệu có chuyện hợp nhất với Hà Nội hay không? Khi chuyển sang Hà Nội, lương của cầu thủ có ít hơn so với khi khoác áo Petro Vietnam? Còn một điều mà không ít cầu thủ hy vọng là nếu ở PetroVietnam có thể họ sẽ có một việc làm trong ngành dầu khí sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV.
Có lẽ, đấy mới là cái khó mà cả ngành thể thao Hà Nội lẫn CLB PetroVietnam cần "gỡ" chứ không phải ở chuyện cái tên đội bóng là Dầu khí - Hà Nội hay Hà Nội - Dầu khí. Thỏa thuận giữa lãnh đạo Công ty cổ phần Văn hóa - thể thao dầu khí với lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã được ký kết, trong đó 3 năm đầu sau khi hợp nhất, ngành dầu khí sẽ hỗ trợ 3 tỷ đồng/năm cho đội để trả lương và một số chi phí khác. Nhưng sau 3 năm đó, câu chuyện tiền lương chưa biết sẽ ra sao chứ chưa nói gì đến việc làm sau khi giải nghệ.
Hiện tại, lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội vẫn tin vào một cuộc hợp nhất trong thời gian sớm nhất nhằm hướng đến những mục tiêu xa hơn. Trước mắt là ở ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, nếu hợp nhất, đội ngũ cầu thủ và HLV của PetroVietnam có thể giúp bóng chuyền Hà Nội rút ngắn thời gian trở lại đỉnh cao.
Đầu tuần này, thêm một cuộc gặp gỡ chính thức nữa giữa lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội với đơn vị chủ quản CLB PetroVietnam sẽ được tổ chức. "Khóa" đã mở nhưng "chốt" có bung hay không phụ thuộc phần lớn vào cuộc làm việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.