(HNM) - Giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững cho nông nghiệp, nông thôn là nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ. Đó là tinh thần chung mà lãnh đạo của cả ngành Nông nghiệp và Khoa học - Công nghệ đã khẳng định khi bàn về những vấn đề phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Tác động đến phát triển bền vững
Nhìn lại 10 năm qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 11.200 doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành 27.000 mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Kết quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về quy mô và trình độ sản xuất. Đó là nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao; trình độ khoa học - công nghệ của nền nông nghiệp được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh...
Đặc biệt, trong giai đoạn này đã có riêng một chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 5-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã góp phần thiết kế được hệ thống khung, thể chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu được kết quả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học - công nghệ. Từ đó đưa ra các giải pháp có tính liên ngành và các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất, thu hút đông đảo lực lượng khoa học - công nghệ trong cả nước (560 nhà khoa học và hơn 100 tổ chức nghiên cứu) cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã.
Đề cập đến việc đóng góp của khoa học - công nghệ cho ngành Nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khẳng định: Khoa học - công nghệ góp phần hỗ trợ ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, bền vững, tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Đặc biệt, bên cạnh việc tạo ra các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, khoa học - công nghệ có thể được xem là nhóm yếu tố có tác động đặc thù đến sự phát triển toàn diện và bền vững của nông thôn.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, trong 10 năm qua, hệ thống sản xuất nông nghiệp đã thay đổi. Doanh nghiệp nông nghiệp đang phát triển, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã được thành lập, cơ giới hóa thay thế thủ công. Nhiều khâu như làm đất, thu hoạch có nơi đã cơ giới hóa 100%. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng, chuyển giao rộng rãi và điều đặc biệt là người nông dân đã chủ động tìm kiếm, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, mặc dù trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ của nông dân thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực, nhưng sự đóng góp của khoa học - công nghệ trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp chưa thực sự nổi bật. Cụ thể, đầu tư cho khoa học - công nghệ trong nông nghiệp của Việt Nam chỉ mới chiếm 0,2% GDP nông nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với mức 2-4% của nhiều nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến lao động nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chiếm 40% tổng số lao động xã hội và chủ yếu làm thủ công, năng suất thấp, chỉ bằng 38% năng suất lao động bình quân cả nước. Để khắc phục những điểm yếu trên, vai trò của khoa học - công nghệ cần được nhận diện rõ để định hướng đầu tư đúng mức trong tương lai.
Một trong những phương hướng mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 tiếp cận là đi vào chiều sâu và bảo đảm tính bền vững của phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có nội dung phát huy lợi thế, tận dụng tốt nhất cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. Định hướng này phải dựa trên cơ chế thị trường, huy động mọi tài nguyên trong xã hội, mọi động lực của người nghiên cứu, chuyển giao và người áp dụng. “Tùy theo lợi thế mà lựa chọn tiến bộ khoa học - công nghệ thích hợp và lựa chọn nguồn cung cấp tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiệu quả”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh lưu ý.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, vai trò, trách nhiệm của khoa học - công nghệ đã được khẳng định xuyên suốt qua các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Bộ cũng song hành triển khai thực hiện chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” với 3 giai đoạn, từ năm 1998 đến năm 2025, tập trung vào nhiều vấn đề. Đó là xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, đào tạo nghiệp vụ, tuyên truyền…
Trước mắt, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cần ưu tiên các nhiệm vụ gắn với việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như có nhiều tác động lan tỏa đến các vùng, địa phương. Bên cạnh đó không thể thiếu sự lồng ghép nội dung triển khai của chương trình với chương trình khoa học - công nghệ quốc gia khác do các bộ, ngành, địa phương được giao quản lý, nhằm phát huy hiệu quả toàn diện; đẩy mạnh việc hình thành các mối liên kết chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm lợi ích của các bên giữa người nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học - công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.