Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học, công nghệ: Đổi mới cơ chế đặt hàng nhiệm vụ

Thu Hằng| 28/02/2023 07:05

(HNM) - Một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô là nghiên cứu, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Với định hướng đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong cách làm để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và kinh nghiệm phục vụ cho mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hội nghị mở, kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp thành phố do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, tháng 2-2023.

Hiệu quả từ cơ chế đặt hàng

Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tỷ lệ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo phương thức tuyển chọn hằng năm đều đạt trên 95% và năm 2023 là 100%.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, như: Công nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa...

Kết quả nghiên cứu khoa học lý luận đã góp phần cung cấp các luận cứ cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong quá trình xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách trên nhiều lĩnh vực. Một số kết quả nghiên cứu là cơ sở để thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các đơn vị. Đề tài “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” do Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì thực hiện đã được Thành ủy cụ thể hóa thành các quy định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của thành phố.

Còn Đề tài “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội” do Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất một số chính sách, giải pháp để đưa vào hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, kiến nghị với Trung ương về tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với thành phố...

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong 5 năm qua, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai 47 nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Các chương trình hợp tác hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản; chỉ dẫn địa lý; ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây trồng…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu ngày càng cao đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững

Để có được kết quả trên, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong quá trình thực hiện. Sở đã thành lập Ban Chủ nhiệm các chương trình khoa học và công nghệ để thu hút các nhà khoa học tham gia ngay từ khâu định hướng, xác định nhiệm vụ, tổ chức tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu.

Đối với kế hoạch khoa học và công nghệ năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở đã tổ chức các buổi làm việc với các quận, huyện, thị xã và các trường đại học trên địa bàn để tìm hiểu thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương. Sở đã nhận được 330 đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ từ 140 tổ chức, cá nhân. Thực hiện quy trình xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Sở đã lựa chọn được 70 đầu bài nhiệm vụ có tính cấp thiết, ứng dụng cao.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên, nhà trường nhận thấy cần phát huy vai trò của mình cũng như trách nhiệm đối với Thủ đô trong việc đề xuất những nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố để góp phần giải quyết những vấn đề của Hà Nội, nhất là xây dựng hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, vốn là thế mạnh của trường.

Còn theo Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn, để thu hút các nhà khoa học trong triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Hà Nội cần xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các viện, trường trong một số ngành, lĩnh vực; tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm giữa ba nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp hoặc tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới; tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cấp bách… Đặc biệt, Hà Nội cần nghiên cứu cơ chế đặc thù để khuyến khích các dự án chuyển giao công nghệ, nhất là khắc phục quy định đối với việc thu hút vốn đối ứng của nông dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian tới, Sở sẽ chủ động hơn trong công tác phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và kinh nghiệm phục vụ cho mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học, công nghệ: Đổi mới cơ chế đặt hàng nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.