Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó xoay chuyển thế cờ

Quỳnh Chi| 06/03/2014 06:41

(HNM) -

Tới thời điểm này, Mỹ đã ngừng các cuộc đàm phán về thương mại và đầu tư với Nga. Lầu Năm Góc cũng vừa lên tiếng, Mỹ sẽ dừng hợp tác quân sự với Nga. Để không bị "chậm chân" trong thế trận ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến thăm chớp nhoáng Kiev ngày 4-3 nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các nhà lãnh đạo mới ở Ukraine. Tại Kiev, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa khẳng định rằng: Mỹ sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt cả kinh tế lẫn chính trị đối với Nga trong vài ngày tới. Các đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương như Đức, Anh và Canada cũng cảnh báo nước Nga sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ với Châu Âu...

Tàu chiến Nga tại căn cứ Hải quân Sevastopol.



Ở bên kia chiến tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không mấy quan tâm những cảnh báo sắc lạnh liên tiếp từ một số nhà lãnh đạo phương Tây. Thậm chí, tại cuộc họp báo ngày 4-3 ở Mátxcơva, ông chủ Điện Kremlin đã điềm tĩnh khẳng định, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ phản tác dụng đối với phương Tây.

Theo các nhà phân tích, Tổng thống V.Putin có thừa cơ sở để tin vào những quyết định của mình. Vì xét cho cùng, trên bàn cờ địa - chiến lược với phương Tây, Nga vẫn đang nắm rất nhiều quân bài có sức mạnh. Trước hết, Liên minh Châu Âu (EU) và Nga phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế quá lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt. Hiện tại, nếu so sánh "lá bài" năng lượng mà Mátxcơva đang sở hữu, những phương án đáp trả của EU như đình chỉ tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) dự kiến tổ chức tại Sochi hoặc các Bộ trưởng Thể dục Thể thao không đến dự lễ khai mạc Thế vận hội dành cho người tàn tật, cũng được tổ chức ở thành phố này chỉ là những miếng "đòn gió". Trái lại, dù được cho là loại vũ khí "cổ lỗ", song khí đốt Nga vẫn có thừa khả năng làm cho Châu Âu run rẩy khi có tới hơn 1/4 nhu cầu về mặt hàng này ở Cựu lục địa đang trông chờ vào xứ Bạch dương và 80% số đó phải đi qua đường ống dẫn ở Ukraine. Thời gian qua, EU đã cố đa dạng hóa nguồn cung năng lượng song lượng khí đốt mà "ngôi nhà chung" 28 thành viên mua được vẫn không thấm vào đâu so với nguồn cung khổng lồ từ Nga.

Với Mỹ, nếu không có các đồng minh EU, Washington khó làm được gì nhiều nhằm thay đổi "thế cờ" ở Ukraine mà cụ thể ở đây là bán đảo Crimea. Dù được coi là "anh cả" trong cỗ máy chiến tranh NATO song không thể quên một thực tế là nhiều thành viên của tổ chức này đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Bên cạnh đó, Hiến chương và những thay đổi liên tục về ưu tiên của NATO không đề cập trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên. Vì vậy, cuộc họp của Hội đồng NATO ngày 4-3 chỉ ra được tuyên bố lên án Nga vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; đồng thời, kêu gọi đối thoại và bày tỏ mong muốn có những tiếp xúc trực tiếp với nước này thông qua Hội đồng NATO - Nga. Nói cách khác, trong vấn đề Ukraine - Crimea, NATO xem ra khó có thể đi xa hơn thế.

Những gì đang diễn ra ở Ukraine dường như tái hiện kịch bản cuộc chiến với Gruzia tại Nam Ossetia cách đây 4 năm. Phương Tây tưởng chừng đã giành thế thượng phong khi hậu thuẫn phe đối lập lật đổ chính quyền thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho "cuộc cách mạng" là không nhỏ. Đó không chỉ là sự sứt mẻ trong quan hệ với quốc gia phương Tây phụ thuộc nhiều lợi ích như Nga mà còn là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng này cho thấy đa số người dân trên bán đảo Crimea đồng ý độc lập, tình thế hiển nhiên sẽ nghiêng về phía Nga. Vì vậy, không phải là không có căn cứ khi cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ P.J.Crowley lên tiếng thừa nhận "Tổng thống V.Putin đã hoàn thành mục tiêu chính - giành lại lợi thế để chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra ở Ukraine". Rõ ràng, Mỹ và EU đã quên mất rằng quyền lợi của Nga tại Ukraine lớn gấp 10 lần so với của Châu Âu. Vì vậy, Tổng thống V.Putin hẳn phải có một chiến lược không thể mù mờ với nước láng giềng có vị trí địa - chính trị quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh này.

Những gì đang diễn ra cho thấy, một lựa chọn khôn ngoan hiện nay là cả Nga và phương Tây đều thỏa hiệp để buộc các bên liên quan ở Ukraine quay lại với thỏa thuận ký ngày 21-2. Vì cả Nga và phương Tây không thể bác bỏ một văn kiện đã nhận được sự chấp thuận của các phe phái ở Ukraine, lại được ký dưới sự chứng kiến của cả Nga và EU. Thỏa thuận quy định các bên chấm dứt xung đột, khôi phục Hiến pháp 2004, đưa Ukraine trở lại quy chế cộng hòa nghị viện - tổng thống, khởi động thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, điều này xem ra thật khó có thể thực hiện vào lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó xoay chuyển thế cờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.