Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khổ vì rượu ngâm “chữa bách bệnh”

Bảo Ngọc| 19/06/2022 06:23

(HNNN) - Xưa nay, rượu ngâm được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người đã phải nhập viện vì ngộ độc rượu do thói quen chữa bệnh bằng rượu thuốc, rượu ngâm thảo dược, ngâm động vật một cách tùy tiện.

Việc ngâm rượu với hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của người có chuyên môn.       

Không phải rượu ngâm đều... tốt!

Trong Đông y, một số loại rượu thuốc giúp tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, bổ thận, hỗ trợ chữa đau lưng, gai cột sống, thấp khớp, nhức mỏi. Nhiều bài thuốc ngâm rượu có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Từ đó, bình rượu thuốc cũng xuất hiện trong “tủ thuốc” của nhiều gia đình, vừa là thuốc uống bồi bổ cơ thể vừa được dùng để xoa bóp, đánh gió...

Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng rượu thuốc tùy tiện theo tâm lý “có gì ngâm nấy”. Người ta ngâm rượu với đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát, động vật như bìm bịp, tay gấu, rắn, ếch, lộc nhung, tắc kè... Nhiều người cho rằng, rượu và các loại thảo dược, động vật đều là thực phẩm, lành tính nên mang ngâm với rượu rồi uống là có lợi.

Trong khi đó, việc ngâm rượu thuốc với tỷ lệ ra sao, vệ sinh các loại thực vật, động vật thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm là điều mà ít người có thể nắm được nếu không tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Đa phần người ngâm rượu thuốc đều làm theo kiểu “nghe dân gian truyền lại”, rỉ tai nhau, hoặc tự tìm hiểu trên internet. Một số người sau khi ngâm còn đem chôn rượu thuốc xuống đất từ 3 - 6 tháng vì tin rằng làm như vậy, rượu sẽ có vị đậm đà, thơm và tốt hơn. Nhiều gia đình ngâm rượu động vật còn nguyên con, thậm chí nguyên lông, điều này rất nguy hiểm bởi các loại động vật ăn thịt sống như rắn, ếch, gấu... thì trong lông và bụng đều chứa nhiều ký sinh trùng. Nếu không làm sạch sẽ, việc dùng chúng để ngâm rượu chẳng khác gì tự rước ký sinh trùng vào cơ thể.

Thực tế, không phải thảo dược, động vật nào cũng có thể dùng để ngâm rượu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các cơ sở uy tín để có thể mua được thảo dược, các vị thuốc đông y ngâm rượu chất lượng, nguồn gốc rõ ràng là điều rất quan trọng.

Hiện tại, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều cơ sở quảng cáo bán thuốc đông y, các vị thuốc ngâm rượu chữa bệnh. Họ chào bán các loại thảo dược ngâm rượu không rõ xuất xứ. Những bài thuốc ngâm rượu được lưu truyền rộng rãi song chưa có tài liệu nghiên cứu về vị thuốc và tính hiệu quả.

Thuốc Đông y dùng để ngâm rượu có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vị..., một bài thuốc có thể chứa rất nhiều vị thuốc khác nhau, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng thì người dùng hoàn toàn có thể bị ngộ độc.

Một số loại rượu ngâm động vật được “truyền tai” có tác dụng bổ thận, tráng dương. Thị trường cũng chào bán tràn lan các loại rượu ngâm cây thuốc có tác dụng hỗ trợ sinh lý nam giới nhưng có thể chứa thêm hóa chất, người dùng khó kiểm chứng được.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hương, Chủ nhiệm khoa Lão khoa, Viện Y học cổ truyền quân đội, cho biết, rượu có tác dụng “dẫn” một số thuốc nên người ta thường ngâm thực phẩm, thảo dược trong rượu 2 - 3 tuần, sau đó lọc lấy “rượu thuốc” (rượu sâm quy, rượu ngũ gia bì, rượu phong thấp, rượu rắn,...) để uống hoặc để xoa bóp chữa bệnh. Rượu thuốc không phải là rượu thông thường, nên người ngâm và dùng rượu thuốc tại nhà cần có kiến thức về y học cổ truyền hoặc sự hướng dẫn từ thầy thuốc có chuyên môn; nếu không, rất dễ mắc phải sai lầm gây hại cho sức khỏe hay thậm chí tính mạng của chính người dùng. Rượu thuốc thì không thể pha chế bừa bãi hay dùng tùy tiện. Đầu tiên là nguồn rượu dùng để ngâm dược liệu phải đảm bảo. Không hiếm vụ ngộ độc rượu do nguồn rượu sản xuất thủ công nên chưa loại bỏ được các chất độc hại như aldehyt, furfurol, methanol... sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất. Các chất này gây độc thần kinh, dễ gây tử vong. Do vậy, chỉ nên uống loại rượu đã được kiểm định chất lượng.

“Mỗi loại dược liệu phù hợp với rượu ở nồng độ cồn khác nhau để phát huy tác dụng tốt nhất. Điển hình như các loại rượu thuốc ngâm rết hay mã tiền chỉ được dùng xoa bóp ngoài da để trị đau nhức xương khớp, phong tê thấp..., tuyệt đối không được uống vì có độc tính cao. Thêm vào đó, bất cứ dược liệu nào cũng có tác dụng phụ. Chẳng hạn, dược liệu có tác dụng hoạt huyết mạnh thì lại có tác dụng phụ là máu khó đông. Thế nên có loại rượu thuốc này tốt với người này nhưng lại không tốt với người khác” - bác sĩ Nguyễn Thanh Hương khuyến cáo.

Không nên sử dụng tùy tiện

Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng rượu ngâm. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Mới đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận một bệnh nhân nam dùng rượu ngâm với rễ cây theo lời mách của một “bà lang” người dân tộc, dẫn đến tổn thương não và hiện vẫn trong tình trạng hôn mê.

Bệnh nhân dùng rượu thuốc ngâm rễ cây để chữa bệnh xương khớp nhưng sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao. Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng bệnh càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Một bệnh nhân nam khác cũng bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng, hiện đang điều trị tại Trung tâm Chống độc. Người này có tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày. Bệnh nhân làm nghề đi biển uống rượu ngâm rễ cây rừng để chữa bệnh xương khớp. Sau khi uống được 3 ngày, bệnh nhân bị chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: “Ngay trong tháng 5 năm nay, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho hai bệnh nhân nam giới 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối. Sau khi uống được vài ngày, các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não. Xét nghiệm mẫu rượu mà bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện ra chất salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nên cần kiểm soát về liều lượng sử dụng. Do đó, nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách thoải mái thì rất dễ bị ngộ độc”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hai trường hợp trên dễ phát hiện, có thể xử lý được. Thực tế, có nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết. Ngộ độc salicylate có thể dẫn đến hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.

Hiện nay, việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, các chuyên gia y tế khuyến cáo dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được. Do đó, việc ngâm với hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khổ vì rượu ngâm “chữa bách bệnh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.