(HNM) - Thời điểm cận Tết, hàng loạt vị trí rào chắn (còn gọi là lô cốt) phục vụ thi công các công trình hạ tầng giao thông, công trình thoát nước, cải tạo môi trường và các công trình khác tại TP Hồ Chí Minh vẫn ngổn ngang.
Người dân vất vả mỗi khi đi qua khu vực có rào chắn chiếm dụng mặt đường. |
Ghi nhận tại công trình xây dựng cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), “lô cốt” kéo dài hàng trăm mét, khiến cho các tuyến đường như: Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi… luôn kẹt đường vào giờ cao điểm sáng và chiều. Thậm chí, ngay cả giờ thấp điểm, dòng phương tiện qua lại trên tuyến vẫn phải di chuyển rất khó khăn. Theo người dân tại đây, từ khi dãy "lô cốt" trên dựng lên, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên. Trước tình trạng trên, hàng chục CSGT, thanh niên xung phong được huy động để điều phối, giải tỏa ách tắc nhưng ùn tắc vẫn không hề giảm.
Cùng chung cảnh ngộ, tại đường Tạ Uyên (giao với đường Hồng Bàng, quận 5), dự án cải tạo môi trường nước kênh Tàu Hủ - Bến Nghé do đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Xây dựng số 1 đảm trách chiếm dụng tới 2/3 mặt đường nhiều tháng qua, hiện vẫn ngổn ngang, cản trở giao thông. Các tuyến đường như: Vạn Tường, Phú Hữu, Hồng Bàng… (quận 5) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bức xúc vì “lô cốt” trong nhiều tháng qua, chị Trần Thị Ánh Nguyệt (ngụ đường Tạ Uyên, quận 5) than thở: “Rào chắn được dựng lên và vây kín mọi lối đi nhiều tháng nay, khiến cho việc bán hàng rất khó khăn, doanh thu giảm đến 50%. Nếu dịp Tết này, tình trạng trên vẫn tiếp diễn thì tôi chỉ còn nước đóng cửa hàng". Chung tâm trạng, chị Lê Thị Thắm, chủ cửa hàng thời trang (đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp) nói: “Từ ngày có “lô cốt”, cửa hàng của tôi chỉ bán được cho khách quen, trong khi sinh hoạt và đi lại rất khó khăn. Do đó, rất mong công trình sớm hoàn thành để người dân đỡ khổ”.
Theo Thanh tra Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố có 104 vị trí rào chắn (tăng 17 vị trí) trên đường bộ để phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước có vốn ODA và các dự án khác trên 46 tuyến đường. Thanh tra Sở đã lập 53 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với 10 hành vi vi phạm. Trong đó, có 25 trường hợp không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; 7 trường hợp để vật liệu, đất đá, phương tiện ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông. Ngoài ra, nhiều công trình không có giấy phép; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công... Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều đơn vị thi công vi phạm.
Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh thanh tra Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra đã có nhiều nhà thầu và đơn vị thi công liên tiếp tái phạm, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo đảm an toàn khi thi công, để vật liệu xây dựng vương vãi khắp mặt đường, không hoàn trả nguyên trạng mặt đường, không bố trí người điều tiết giao thông. Thời gian tới, đặc biệt vào dịp Tết Đinh Dậu 2017, Thanh tra Sở yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công khẩn trương thực hiện chấp hành các quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố và chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thi công. Đồng thời, phải bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị xung quanh khu vực công trình thi công. Đối với các công trình thi công trên đường bộ, lực lượng Thanh tra Sở sẽ buộc đình chỉ hoạt động và khắc phục hậu quả đối với nhà thầu và đơn vị thi công nếu công trình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.