Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó vẫn hoàn khó

Phạm Thị Ánh Ngọc| 25/05/2012 07:35

(HNM)- Sau 3 năm triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT), diện tích trồng RAT ở Hà Nội đã được mở rộng, lượng RAT đến với người tiêu dùng ngày một tăng. Tuy nhiên, đề án cũng gặp nhiều khó khăn do tiến độ thực hiện các dự án gặp nhiều vướng mắc, đầu ra cho RAT chưa được giải quyết.


Trồng rau an toàn tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Phương An



Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, toàn TP có 24 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 1.652,8ha. Hiện có 8 dự án đã được phê duyệt đầu tư; 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và 5 dự án đang trình xin chủ trương đầu tư. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, Hà Nội hiện có 3.800ha RAT, trung bình mỗi năm cung cấp 190.000 tấn rau trồng theo quy trình, có sự giám sát của 168 kỹ sư của Chi cục và được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội.

Để đẩy nhanh tiến độ đề án, ngành nông nghiệp đang tăng cường quản lý, chỉ đạo sản xuất RAT tại các vùng tập trung, hình thành và phát triển các vùng RAT trọng điểm để quản lý khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Chi cục BVTV đang quản lý 125ha RAT theo VietGAP và 10,5ha rau hữu cơ của 10 nhóm nông dân huyện Sóc Sơn; phối hợp quản lý, chỉ đạo các vùng RAT tập trung theo dự án tại 3 vùng: xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (250ha); xã Duyên Hà, Thanh Trì (57ha); xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (50ha); triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau nước tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất với quy mô 10ha. Để kiểm soát chất lượng RAT, Chi cục thường xuyên kiểm tra và lấy mẫu phân tích chất lượng; gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT tại xã Văn Đức và đang triển khai gắn nhãn tại một số vùng RAT khác.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho rằng, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cán bộ cơ sở còn hạn chế đã gây trở ngại cho việc mở rộng diện tích RAT. Một số nông dân chưa tuân thủ quy định sản xuất RAT, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cán bộ cơ sở một số nơi chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý sản xuất RAT nên việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để phát hiện và xử lý vi phạm còn hạn chế. Ngoài ra, sản xuất RAT còn nhỏ lẻ, manh mún (mỗi hộ 2 sào = 720m2), số lượng hộ nông dân tham gia quá lớn (khoảng 180.000 hộ) gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát sản xuất.

Vấn đề tiêu thụ RAT cũng là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp Hà Nội. Hiện nay, khâu tiêu thụ RAT chưa được tổ chức theo hướng thị trường, phần lớn các điểm bán RAT là hộ dân tự phát, thiếu tính bền vững. Hiện Hà Nội có 28 cửa hàng được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh RAT. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, số cửa hàng bán RAT ở nội thành không nhiều bởi giá thuê địa điểm quá cao khiến lợi nhuận từ trồng rau không cao. Số lượng RAT vào được các siêu thị còn rất ít mà chủ yếu phải bán ở các chợ nên giá trị chưa tương xứng. Ngoài ra, rất ít doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào sản xuất RAT do rủi ro cao, lợi nhuận thấp và chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Đã có một số DN tham gia mảng RAT nhưng sau 1-2 năm phải bỏ cuộc như: Công ty Năm Sao, Công ty Ngọc Quang… Có 2 DN lớn tham gia lĩnh vực này là Công ty Hương Cảnh và Công ty Tôn Kin sau một năm thực hiện do thua lỗ đang tìm đối tác để chuyển giao.

Một số ý kiến cho rằng, dự án hỗ trợ xây dựng vùng RAT tập trung là dự án hỗ trợ sản xuất nhưng thủ tục thẩm định dự án đang thực hiện theo quy trình của dự án đầu tư xây dựng cơ bản nên tiến độ rất chậm, kéo dài. UBND thành phố cần sớm điều chỉnh quy trình thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục và ủy quyền cho các địa phương tự xây dựng, phê duyệt. Đặc biệt, để giải quyết khâu tiêu thụ, TP sớm ban hành chính sách ưu đãi đối với các DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT; chỉ đạo phát triển mạng lưới kinh doanh RAT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó vẫn hoàn khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.