Các trường trải qua nhiều đợt tuyển giảng viên nhưng chỉ tuyển được khoảng 50% so với chỉ tiêu. Sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi không tha thiết làm giảng viên.
|
Trong giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. |
Trong kỳ tuyển dụng đợt 2-2010 vừa tổ chức, chỉ tiêu tuyển dụng giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là 60 người. Tuy nhiên, với 110 người dự thi, kết quả chỉ tuyển được 35 người (trong đó có 25 giảng viên, 2 giáo viên thực hành, 8 người không phải ngạch giảng viên).
“Danh sách thì thế nhưng chưa chắc tất cả những người trúng tuyển đều đến để ký hợp đồng”- một cán bộ phòng tổ chức cán bộ của trường cho biết.
Tuyển liên tục vẫn không đủTại Trường ĐH Tài chính - Marketing, đợt tuyển giảng viên vừa rồi có 65 người đăng ký dự tuyển nhưng chỉ có 31 người tham gia thi tuyển và cuối cùng chỉ có 6 người đạt.
Ông Đinh Trung Chánh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết năm nay trường tuyển 46 giảng viên, 4 kỹ sư để bổ sung vào đội ngũ giảng viên còn thiếu ở các khoa. Hiện các khoa đang tiếp nhận hồ sơ và trực tiếp xét tuyển tại khoa nhưng khả năng tuyển đủ là rất khó.
Trường ĐH Luật TPHCM cũng đang gấp rút tuyển giảng viên. Biên chế Bộ GD-ĐT giao cho trường năm 2010 là 323 người, trong đó 235 giảng viên nhưng hiện trường mới có 200 giảng viên.
Bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng nhà trường, cho biết những năm gần đây trường đều tổ chức thi tuyển nhưng không đủ chỉ tiêu, nên năm nay phải xét tuyển quanh năm đối với những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Riêng cử nhân thì phải trải qua đợt thi tuyển.
Điều đáng nói là hằng năm các trường đều có số lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tương đối nhiều thế nhưng họ lại không tha thiết làm giảng viên. Ông Đinh Trung Chánh cho biết những năm trước đây, sinh viên tốt nghiệp đứng đầu thường có nguyện vọng ở lại trường.
Nhưng những năm gần đây chỉ có vài sinh viên tốt nghiệp loại khá làm hồ sơ thi tuyển giảng viên. Tại Trường ĐH Luật cũng chỉ có 5 sinh viên tốt nghiệp trên 7 điểm đăng ký thi tuyển giảng viên.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, năm 2009 chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp loại khá làm đơn thi tuyển giảng viên.
Làm giảng viên, chờ cơ hội
Theo bà Nguyễn Ngọc Thu, chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tuyển dụng giảng viên rất khó khăn do sinh viên khá, giỏi ra trường thường có việc làm lương cao hơn nhiều lần so với giảng viên. Tại trường này, giảng viên trúng tuyển phải tập sự một năm và chỉ được hưởng 85% lương cơ bản.
Lương thấp lại không được đứng lớp nên những giảng viên này không có thù lao giảng dạy nên đời sống rất khó khăn. Nhà trường trả thêm mức phụ cấp 500.000 đồng/người/tháng theo hệ số lương nhưng thu nhập của giảng viên tập sự cũng chỉ trên dưới 3 triệu đồng/tháng.
Ông Đinh Trung Chánh cũng cho biết hằng tháng nhà trường phải trích quỹ phúc lợi để thêm phụ cấp cho giảng viên tập sự, tuy nhiên thu nhập của giảng viên quả là quá thấp so với lương các doanh nghiệp trả cho họ. Hơn nữa, môi trường giáo dục chưa thực sự hấp dẫn đối với những người tốt nghiệp khá, giỏi.
“Một số sinh viên khá, giỏi ở lại làm giảng viên chỉ với mục đích chờ cơ hội học bổng để đi nước ngoài chứ không có ý định gắn bó lâu dài với trường”- ông Chánh nêu một thực tế.
Nỗi lo “chảy máu” giảng viên
Ngoài việc khó tuyển giảng viên, các trường còn phải đối mặt với thực trạng “chảy máu” giảng viên. Ông Đinh Trung Chánh cho biết hằng năm có khá nhiều giảng viên được trường cho đi học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng rồi làm đơn xin nghỉ để sang các trường dân lập giảng dạy hoặc ra ngoài làm cho doanh nghiệp.
Bà Mai Hồng Quỳ cũng cho biết trường cố gắng giải quyết khó khăn cho giảng viên về mặt đời sống, tạo điều kiện nâng cao trình độ, thế nhưng rất nhiều giảng viên “chê” tiền giảng quá thấp và “đi đánh” ở bên ngoài.
Đại diện các trường đề nghị cần sớm cải cách chế độ tiền lương mới mong thu hút được nhân tài chọn nghề giảng viên. Ngoài ra, các trường cũng đề xuất nên đầu tư cho giảng viên mới trúng tuyển đi học ở bậc cao hơn để khuyến khích và tăng thêm niềm yêu thích môi trường giáo dục.
Nhiều giảng viên dạy 1.000 tiết/năm Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ năm 1987-2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần, do đó tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định 28 sinh viên/giảng viên.
Kết quả khảo sát của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy ở không ít trường, tỉ lệ này lên tới trên 40 sinh viên/giảng viên (Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM: 47,3 sinh viên/giảng viên, Trường ĐH Mở TPHCM: 41,2 sinh viên/giảng viên, Trường ĐH Hồng Bàng: 40,2 sinh viên/giảng viên...).
Nhiều trường số giảng viên thỉnh giảng gấp 2 lần giảng viên cơ hữu; cá biệt có trường chỉ 53 giảng viên cơ hữu trong khi số giảng viên thỉnh giảng là 375 (Trường ĐH Dân lập Đông Đô).
Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm. Điều này khiến giảng viên không còn thời gian nâng cao năng lực chuyên môn và nghiên cứu khoa học. |