Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó tiếp cận chính sách ưu đãi

Khánh Khoa| 19/08/2011 07:29

(HNM) - Hàng loạt dự án nhà ở xã hội đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn, nên triển khai cầm chừng hoặc khởi công xong để đó...


Thiếu vốn, dự án triển khai cầm chừng


Dự án khu tái định cư và nhà ở xã hội Kiến Hưng, quận Hà Đông đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: Thái Hiền

Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2009-2015, các địa phương đề xuất nhu cầu đầu tư 110 dự án nhà cho công nhân khu công nghiệp (KCN), đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1 triệu người. Riêng năm 2009-2010 có 47 dự án, quy mô xây dựng 1.176.170m2 sàn, với số vốn đầu tư là 4.975 tỷ đồng, trong đó huy động từ các DN khoảng 4.356 tỷ đồng, đáp ứng cho 200.000 người. Tuy nhiên, đến nay mới có 25 dự án được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư 2.752 tỷ đồng. Trong số đó, có 9 dự án (Hà Nội có 1 dự án, TP Hồ Chí Minh 8 dự án) đã hoàn thành, bàn giao, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 27.800 công nhân.

Với nhà thu nhập thấp, các địa phương đề xuất nhu cầu đầu tư giai đoạn 2009-2015 là 189 dự án, quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng khoảng 700.000 người. Riêng 2 năm (2009-2010) là 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740m2 sàn, vốn đầu tư là 22.738 tỷ đồng, trong đó huy động từ các DN khoảng 21.957 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng khoảng 640.000 người. Tuy nhiên, đến nay mới có 39 dự án được khởi công xây dựng, tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng. Hiện, đã có 1.714 căn hộ hoàn thành đáp ứng khoảng 6.800 người. Một trong những nguyên nhân khiến các dự án triển khai cầm chừng là DN có thông tin về việc chỉ thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế trong năm 2009, nên đã tạm dừng dự án, hoặc làm rất chậm. Trong khi đó, không ít địa phương chưa chủ động tháo gỡ vướng mắc của các nhà đầu tư về quỹ đất, vốn, các ưu đãi đặc thù… Đặc biệt, không những không được áp dụng ưu đãi thuế, DN còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (hiện chỉ có 5 dự án được vay tại ngân hàng này, với số vốn vay khoảng 740 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19% trên tổng số vốn của các dự án đã khởi công), nên giá thành mỗi mét vuông sàn căn hộ đã hoàn thành khá cao, 10-12 triệu đồng, làm giảm khả năng tiếp cận của người hưởng lợi, giảm hiệu quả của dự án đầu tư…

Đề xuất tiếp tục ưu đãi dự án nhà xã hội

Việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung và người có thu nhập thấp tại đô thị được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa. Chủ đầu tư các dự án này được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất; miễn thuế thu nhập DN phải nộp với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở cho công nhân KCN và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Nhưng, sau gần 3 năm, các cơ chế, chính sách ưu đãi đó chỉ được áp dụng trong năm đầu triển khai. Trong khi để hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải đầu tư ít nhất trong 2 năm. Do vậy, hầu như chủ đầu tư các dự án đã khởi công vẫn chưa được thụ hưởng các ưu đãi này, ảnh hưởng trực tiếp tới chủ trương của Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều địa phương, DN đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đề nghị được tiếp tục triển khai các ưu đãi cho các năm tiếp theo.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng, việc hỗ trợ nhà ở cho công nhân KCN và người có thu nhập thấp tại đô thị thông qua các chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư (Nhà nước hỗ trợ gián tiếp) có những nhược điểm là các đối tượng chính sách xã hội không được hưởng ưu đãi trực tiếp và thường bị các DN lợi dụng (nếu Nhà nước không có các chế tài mạnh). Song, so với việc cấp vốn, cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh về vốn với người mua hoặc thuê nhà, hình thức này lại có ưu điểm huy động được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế; khuyến khích tăng khả năng cung cấp nhà ở cho phân khúc thị trường nhà giá thấp, giảm giá nhà ở trên thị trường. Đối tượng là các DN, nên đầu mối quản lý cho vay giảm, dễ quản lý rủi ro. Tổng lượng tiền cho vay giảm do các DN được hưởng ưu đãi, như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…Vì vậy, Bộ Xây dựng cũng thống nhất đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định trong các Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập DN về ưu đãi với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN và người có thu nhập thấp tại đô thị. Với những mặt hạn chế của hình thức Nhà nước hỗ trợ gián tiếp trên, Bộ Xây dựng cho rằng, các quy định đều đã nêu rõ không được tính phần ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê và giá cho thuê mua; lợi nhuận định mức tối đa không quá 10% giá thành; khống chế tiêu chuẩn diện tích các căn hộ; đối tượng được thụ hưởng… Liên quan đến nguồn vốn, các chuyên gia cho rằng cần hình thành các loại quỹ dành cho loại hình nhà ở xã hội như mô hình nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, chứ không thể chỉ trông chờ vào xã hội hóa như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó tiếp cận chính sách ưu đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.