Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó thoát nghèo vì chính sách chưa sát thực

Hiền Phương| 18/02/2016 06:57

(HNM) - Các ngành chức năng của TP Hà Nội cùng cấp ủy, chính quyền ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng quy định các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của thành phố, góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết: Trong quá trình thực hiện, nhiều chính sách dành cho người dân tộc thiểu số còn trùng lắp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng nên khó khăn cho việc chỉ đạo, triển khai thực hiện. Một số chính sách chỉ hỗ trợ, đầu tư trực tiếp như trợ cước, trợ giá, chưa chú trọng đến chiến lược lâu dài là phát triển thị trường, kết nối sản phẩm, phân vùng sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa. Nội dung một số chính sách chưa đồng bộ, thống nhất. Một trong những chính sách chưa triển khai đạt hiệu quả cao là Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Quyết định này quy định mức kinh phí hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm đến 100.000 đồng/người/năm là quá ít, không có tác dụng hỗ trợ sản xuất, thậm chí tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Các Quyết định 755 và 551 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và xã biên giới, xã an toàn khu còn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, chồng chéo. Chính sách đào tạo nghề cho đồng bào vùng DTTS hỗ trợ 100% kinh phí và hỗ trợ tiền ăn trưa chưa thu hút được người dân tham gia. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Bất cho biết: "Chưa tạo được việc làm sau học nghề, chưa được hỗ trợ vay vốn cũng như tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm, việc đào tạo chưa sát với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động là rào cản khiến hiệu quả dạy nghề đối với lao động vùng DTTS chưa cao".

Dạy nghề may cho đồng bào dân tộc thiểu số.


Một trong những chính sách của TP Hà Nội dành cho đồng bào DTTS đang lộ rõ bất cập là trợ giá 3 mặt hàng muối i ốt, dầu hỏa và giấy vở học sinh, với kinh phí trung bình mỗi năm khoảng 450 triệu đồng. Chính sách này hiện không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay khi giao thông phát triển nên việc mua hàng hóa dễ dàng, các thôn, bản đều đã có điện không phải dùng dầu thắp sáng cho sinh hoạt. Ngoài ra, việc cân đối, bố trí vốn cho các chính sách dân tộc chưa được chủ động, kịp thời, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong xây dựng, hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách chưa chặt chẽ.

Chính bởi những bất cập trong chính sách và quá trình triển khai thực hiện nên dịp tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, gia đình anh Nguyễn Xuân Quang ở xã Vân Hòa (Ba Vì) vẫn là một trong 30 hộ nghèo của xã nhận được trợ cấp của UBND TP Hà Nội. Anh Quang cho biết: "Gia đình tôi có 4 khẩu, ngoài làm 3 sào ruộng, vợ chồng tôi còn đi làm thuê mỗi ngày được trả công từ 150.000 đến 170.000 đồng. Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu và công việc không nhiều nên thu nhập của vợ chồng tôi rất bấp bênh. Trước đây, xã tổ chức lớp học nghề mây tre đan nhưng do thiếu vốn, đầu ra cho sản phẩm nên có nghề mà... vẫn nghèo". Xã An Phú (Mỹ Đức) có 351/gần 2.000 hộ nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Thế Nghĩa, nguyên nhân dẫn tới nghèo đói là người dân không có đất sản xuất và có hơn 80% số lao động chưa qua đào tạo. Thực hiện chính sách dân tộc, hằng năm, xã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho người dân nhưng học xong không áp dụng được vào thực tế nên bà con chẳng mấy mặn mà.

Để chính sách dân tộc mang lại hiệu quả cao hơn, đồng bào DTTS của TP Hà Nội mong muốn, cơ quan chức năng của Trung ương cần tổ chức rà soát hệ thống các chính sách dân tộc để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp; UBND TP Hà Nội sớm ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016-2020; tiếp tục thực hiện các dự án đã được phê duyệt tại Kế hoạch 166 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất cho các xã vùng đồng bào DTTS, nhất là các xã, thôn đặc biệt khó khăn để cố gắng phấn đấu đến hết năm 2017, Hà Nội sẽ không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó thoát nghèo vì chính sách chưa sát thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.