(HNM) - Số trẻ đông hơn so với quy định, giáo viên không qua đào tạo, vẫn còn cơ sở trông trẻ không phép… là thực trạng hệ thống nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố mới đây.
Nhiều bất cập
Số trẻ mầm non đến trường trên địa bàn TP Hà Nội hiện chiếm 1/10 trong cả nước. Kể từ khi có Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30-6-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, trên địa bàn TP Hà Nội phát triển mạnh hệ thống này (có 320 trường mầm non dân lập; 2.476 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục) nhằm đáp ứng nhu cầu số trẻ đến lớp.
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, khảo sát hoạt động của nhóm trẻ Hoa Hướng Dương, xã Kim Chung (huyện Đông Anh). |
Do tăng nhanh các cơ sở trông trẻ, trong khi việc bố trí cán bộ quản lý thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và cơ sở mỏng (bình quân mỗi quận, huyện có 2 cán bộ phụ trách lĩnh vực này), nên việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Nhà nước về hoạt động hệ thống mầm non, nhóm trẻ tư thục chưa sát sao. Qua khảo sát tại một số quận, huyện, nhiều thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nhận định, đa số cơ sở mầm non tư thục đều thiếu diện tích so với quy chuẩn; không có sân chơi ngoài trời, hầu hết chỉ hoạt động trong phòng kín; một số cơ sở giáo viên không qua đào tạo; hoạt động sang nhượng diễn ra phổ biến, khó kiểm soát, nhất là đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh dẫn chứng, huyện Đông Anh có 81 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, trong đó có đến 35 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có số lượng trẻ/lớp vượt quá quy định. Đáng quan tâm hơn ở nhóm trẻ mầm non Họa Mi, Hoa Hướng Dương (xã Kim Chung), cơ sở vật chất không bảo đảm, đồ dùng giảng dạy thiếu, giáo viên không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, Trường Mầm non song ngữ Apex (xã Kim Chung) chưa được cấp phép, nhưng đã khai trương hoạt động.
Tương tự, ở quận Hai Bà Trưng, số nhóm lớp độc lập tư thục gấp 3 lần số trường mầm non tư thục (27 trường mầm non, 86 nhóm lớp độc lập tư thục). Trong đó nhóm lớp độc lập tư thục Quỳnh Trang (ngõ 2 Trại Cá, phường Trương Định) có nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Tại quận Ba Đình có 92 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhưng có tới 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt quá số trẻ quy định…
Khuyến khích mô hình trường mầm non dân lập
Theo quy định, thẩm quyền cấp phép cho trường mầm non là quận, huyện; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cấp xã, phường cấp phép. Điều kiện được cấp phép đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chỉ cần đáp ứng diện tích tối thiểu 1,5m2/trẻ; giáo viên theo tiêu chuẩn; có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đồng ý bằng văn bản. Còn đối với thành lập trường mầm non phải đủ điều kiện về diện tích, cây xanh, đường đi, diện tích sử dụng đất bình quân tối thiểu 8m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã; có phòng, ban giám hiệu, nhà vệ sinh, bếp ăn…
Trao đổi với Đoàn khảo sát của HĐND thành phố, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh Dương Thị Sáu cho biết, trong bối cảnh diện tích đất hạn hẹp, trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu nên việc thành lập nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục phát triển. Tuy nhiên do lực lượng cán bộ quản lý mỏng nên việc kiểm tra, giám sát các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chưa thường xuyên.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng Trần Thị Thu Hà cũng cho biết, số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn không ổn định, giáo viên, chủ cơ sở thường xuyên thay đổi. Từ thực tế, bà Trần Thị Thu Hà đề xuất với HĐND thành phố, cần quy định bổ sung một số thủ tục thực hiện việc chuyển đổi, miễn nhiệm hiệu trưởng, chuyển địa điểm, mở rộng quy mô nhóm lớp. Trong đó, yêu cầu chủ nhóm lớp phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cho biết, qua khảo sát thực tế, vấn đề quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trong các khu dân cư, nhất là khu chung cư cao tầng còn hạn chế. “Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoạt động không hiệu quả bằng các trường mầm non dân lập nên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố sẽ tham mưu, đề xuất với Thường trực HĐND thành phố chủ trương hạn chế việc thành lập mô hình này. Mặt khác, khuyến khích thành lập trường mầm non dân lập, bảo đảm các quy định để quản lý chặt chẽ, giúp phụ huynh yên tâm” - ông Trần Thế Cương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.