(HNM) - Chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là một trong những chợ kinh doanh nông sản, thực phẩm lớn của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm tại đây còn khó khăn do tiểu thương chưa chú trọng ghi chép nguồn gốc xuất xứ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, chợ đầu mối Minh Khai có 960 hộ đang kinh doanh nông sản, thực phẩm, trong đó 768/960 hộ (chiếm tỷ lệ 80%) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ 380-400 tấn nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, các tiểu thương tại chợ còn chưa chú ý đến việc ghi chép nguồn gốc xuất xứ.
Ông Võ Đình Phúc, tiểu thương bán dưa hấu cho biết: Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 15-20 tấn dưa hấu và mặt hàng này đều được nhập từ các tỉnh: Sóc Trăng, Long An, Cần Thơ… Hằng ngày ông đều ghi chép số lượng bán hàng, nhưng chủ yếu bán cho cửa hàng ăn uống, người dân... nên ông chưa yêu cầu người sản xuất cung cấp các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Còn theo ông Trần Văn Toán, tiểu thương bán thịt lợn, mỗi ngày ông bán 2 tạ thịt, đều lấy từ lò giết mổ ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Tuy nhiên, ông cũng chưa có thói quen lưu giữ hóa đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Về những khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai Đào Văn Đô cho biết, trách nhiệm của Ban Quản lý chợ chỉ là tuyên truyền pháp luật về kinh doanh, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm..., nhắc nhở các tiểu thương thực hiện chứ không có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) Lê Đình Khản nhận định, do đặc thù chợ đầu mối Minh Khai thường hoạt động vào ban đêm nên khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm. Việc ghi chép sổ sách theo dõi nguồn gốc sản phẩm còn mang tính đối phó, chưa được các chủ hộ kinh doanh chú trọng hoặc ghi chép nhưng không đầy đủ thông tin nên khó truy xuất nguồn gốc. Chưa kể, tại chợ này còn có hoạt động sơ chế thủy sản tươi sống nhưng không có dụng cụ thu gom phế phụ phẩm mà thải ra ngay nền chợ, công tác vệ sinh chưa bảo đảm...
Để đưa hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ đi vào nền nếp, Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Liên cho biết, quận tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng nhận diện thực phẩm an toàn, yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm đối với Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai và các hộ kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại chợ. Trong đó, ưu tiên tuyên truyền để tiểu thương không tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các ngành chức năng của quận thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại chợ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Qua kiểm tra thực tế tại chợ đầu mối Minh Khai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Ban Quản lý chợ cần thực hiện việc cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, các hạng mục, trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh tại những khu vực chợ đã xuống cấp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Đồng thời, kiên quyết không để các hộ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được kinh doanh tại chợ.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng của quận cần xử lý triệt để các hộ kinh doanh trước cửa chợ, xung quanh khuôn viên chợ; đặc biệt là tình trạng các tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường bởi không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây khó khăn cho các ngành chức năng quản lý an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.