(HNM) - Ngoài giám sát tại các kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND các cấp còn có thẩm quyền giám sát các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động của cơ quan TAND, viện KSND, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra cùng cấp, trong đó có cả kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật trong nhà tạm giữ, trại tạm giam…
Tuy nhiên, HĐND thường mới chỉ giám sát các cơ quan tư pháp thông qua hình thức nghe báo cáo; chưa chủ động tìm kiếm, khai thác nhiều kênh thông tin, mà chỉ dựa vào thông tin do chính các cơ quan chịu sự giám sát cung cấp.
Nguyên nhân của việc trên được nhiều đại biểu HĐND cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật của các cơ quan tư pháp nhiều, thường xuyên bổ sung, trong khi đó, không ít các thành viên Ban Pháp chế thiếu kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp, nên kết quả giám sát chưa phản ánh chính xác tình hình. Thiếu kiến thức, thiếu thông tin nên những câu hỏi mà thành viên của Ban Pháp chế đặt ra với cơ quan chịu sự giám sát thường chỉ nhằm thu thập thông tin, không được đánh giá cao. Điều này dẫn đến ở một số nơi, cơ quan TAND chưa thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kiến nghị của đoàn giám sát, những sai sót chủ quan chưa được khắc phục rõ nét như tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi của thẩm phán; gửi bản án, quyết định cho viện KSND không đúng hạn; án tuyên không rõ, khó thi hành và không kịp thời giải thích bản án... Việc này, ngoài lỗi của cơ quan tư pháp, còn là lỗi năng lực giám sát của Ban Pháp chế các địa phương.
Để hoạt động giám sát cơ quan tư pháp hiệu quả, Ban Pháp chế HĐND các địa phương cần có ít nhất một cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn phù hợp, làm việc chuyên nghiệp, thạo việc để nâng cao vị thế của Ban Pháp chế tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Khi có cán bộ chuyên trách, họ mới có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu kỹ đối tượng, nội dung giám sát và lập luận gắn với đề xuất các giải pháp. Kinh nghiệm quan trọng trong hoạt động giám sát cơ quan tư pháp của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đưa ra là, ngoài giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND, cơ quan điều tra cùng cấp, còn cần phải kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật trong nhà tạm giam, tạm giữ. Đây là nơi phản ánh cụ thể những ưu điểm, hạn chế của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc giam giữ người, xét xử bị cáo và thi hành bản án hay quyết định của tòa án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.