Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó hoàn thành chỉ tiêu

Hoàng Phong| 13/09/2012 06:35

(HNM) - Đến thời điểm đầu tháng 9 này, Việt Nam mới xuất khẩu lao động được 51.318 người ra nước ngoài, đạt 57% kế hoạch năm. Để đạt chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2012 thì từ nay đến cuối năm phải đưa tiếp hơn 37.000 người đi làm việc tại nước ngoài.


Công tác xuất khẩu lao động những tháng cuối năm 2012 đang là những thách thức đối với các doanh nghiệp.

Từ năm 2011, Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm mở các thị trường mới cho năm 2012. Đã có những tín hiệu lạc quan từ thị trường Châu Âu mà điển hình là Bồ Đào Nha và khu vực Châu Á với việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận lao động Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa có sự đột phá mà mới chỉ dừng lại ở việc triển khai thí điểm. Thị trường Bồ Đào Nha được đánh giá tốt khi lao động cần tuyển dụng là người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, thị trường này đã bị một số đối tượng lợi dụng lừa đảo người lao động do đơn vị tuyển dụng được cấp phép chính thức chưa thể triển khai ngay hợp đồng. Do có thông tin về doanh nghiệp được cấp phép đã thu phí quá quy định nên Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu tạm dừng triển khai hợp đồng.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho biết, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, nhất là với Châu Âu thì thị trường càng mới càng khó đưa lao động đi do đòi hỏi về tay nghề, ngoại ngữ khá cao. Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế dẫn đến việc làm giảm sút nên các nước chú trọng ưu tiên hàng đầu về việc làm cho người dân trong nước.

Trong khi thị trường mới chưa được khai phá thì những thị trường truyền thống đang có dấu hiệu sụt giảm số lượng lao động. Thị trường Nhật Bản đã mở thêm cánh cửa để Việt Nam đưa hộ lý và điều dưỡng viên sang làm việc nhưng do là lần đầu triển khai nên hiện mới đang trong giai đoạn nhận hồ sơ, số lượng lao động xuất cảnh trong năm 2012 cũng không cao. Những thị trường truyền thống còn lại cũng đang có sự sụt giảm về số lượng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), các doanh nghiệp đã một thời thu phí vô tội vạ của người lao động, đến khi bị kiểm tra thì không doanh nghiệp nào là không vi phạm. Khi chi phí xuất cảnh được kiểm soát chặt thì các doanh nghiệp lớn đều không dám vi phạm. Mặc dù trong tháng 8 vừa qua, Đài Loan vẫn đứng đầu danh sách với 2.551 lao động sang làm việc nhưng thấp hơn so với nhu cầu tuyển dụng.

Thị trường Hàn Quốc ở trong tình trạng cần báo động bởi số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn quá lớn gây nguy cơ có thể phải đóng cửa thị trường. Chúng ta đã và đang chấn chỉnh mạnh thị trường này để hạ tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn từ hơn 50% xuống còn 27%. Đã có một số địa phương tại Việt Nam không được đưa lao động sang Hàn Quốc trong thời điểm này dẫn đến vị trí XKLĐ của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc đang từ thứ nhất về số lượng lao động được tiếp nhận đã tụt xuống vị trí thứ ba trong số các nước có lao động sang Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với một số nước có thế mạnh về XKLĐ như: Philippines, Ấn Độ, Nepan…

Còn 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2012. Để đạt được mục tiêu đưa 88.000 lao động sang làm việc tại nước ngoài sẽ là không dễ dàng với các doanh nghiệp XKLĐ. Nhu cầu tuyển dụng vẫn có nhưng đòi hỏi khắt khe tay nghề của người lao động trong khi chúng ta vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực này. Vì vậy, trong thời điểm khó khăn hiện nay, thay vì chạy theo số lượng, các doanh nghiệp cần chỉnh đốn lại chính mình. Đồng thời, cũng nên xúc tiến những hợp đồng mới, đầu tư cho nguồn lao động chất lượng cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó hoàn thành chỉ tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.