Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó hiểu hay... không muốn hiểu?

Hoàng Thu Vân| 01/08/2012 06:12

(HNM) - Tới thời điểm này, hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước bắt đầu công bố và xây dựng điểm chuẩn vào các ngành đào tạo. Và kết quả thi ĐH, CĐ của các thí sinh có thể coi là đánh giá sát trình độ thực tế vì các trường đều muốn sàng lọc, nâng cao chất lượng "đầu vào" nên việc chấm thi được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, công tác giám thị của kỳ thi ĐH, CĐ cũng được coi là chặt chẽ, chuẩn mực và nói chung là "có thể tin được".


Vậy kết quả của kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 là như thế nào? Tuy chưa có đánh giá toàn diện của ngành chức năng nhưng nhìn chung có thể thấy là tình hình chưa có gì sáng sủa nếu không muốn nói một cách nặng nề là khá... bi đát. Theo kết quả chấm thi của Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội thì một nửa số thí sinh dự thi khối C dưới điểm sàn. Thống kê điểm thi khối C của Trường ĐH Quảng Nam cho thấy, trong 975 thí sinh dự thi chỉ có 17 thí sinh có điểm môn lịch sử từ 5 trở lên, tỷ lệ thí sinh có điểm từ 0 đến 1 chiếm 55%, trong đó gần 20% thí sinh điểm 0; Trường ĐH Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh có gần 800 bài thi điểm 0; trong số hơn 3.000 thí sinh dự thi vào ĐH Tiền Giang chỉ có khoảng 200 thí sinh đạt 13 điểm trở lên; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có gần 500 bài thi điểm 0...

Những con số nêu trên hoàn toàn trái ngược với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Theo công bố của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ bình quân của cả nước là 97,63%, trong đó có hàng loạt địa phương tỷ lệ này lên tới trên 99% và hàng loạt các trường THPT có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Lấy ví dụ, riêng tỉnh Thanh Hóa có tới 83 Trường THPT đạt tỷ lệ 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp. Nếu quả thực như vậy thì thật đáng mừng vì với các nước có nền giáo dục phát triển thì tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT cũng chỉ ở mức 70-80% chứ không được con số... "như mơ" ở Việt Nam. Và nếu không có sự cố ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) thì ngành chức năng chắc chắn sẽ lại có một kết luận... "đẹp" về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Cũng vẫn là những học sinh ấy, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó khi thi vào ĐH, CĐ, kết quả lại rất... đáng buồn. Vẫn biết mục tiêu của 2 kỳ thi là hoàn toàn khác nhau, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có khó hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia và ngành chức năng, về cơ bản đề thi vẫn nằm trong chương trình lớp 12 và cũng không phải là... quá khó. Vậy mà tại sao lại có tới hàng nghìn bài thi không được điểm nào hay nói cách khác là kiến thức của thí sinh... rỗng tuếch?

Không quá khó để lý giải nguyên nhân và đã 5-6 năm nay dư luận liên tục phản ánh, phân tích những vấn đề đằng sau các con số đẹp của kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Nhưng tiếc rằng sau khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào "Hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) vào tháng 7-2006 thì từ đó đến nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lại... tăng dần đều. Tuy nhiên, tiếc rằng trình độ thí sinh dự thi vào ĐH, CĐ lại không tỷ lệ thuận với những con số này mà trái lại, tỷ lệ thi tốt nghiệp càng cao thì kết quả thi tuyển vào ĐH, CĐ lại càng giảm sút.

Chỉ trừ khi những người có trách nhiệm và ngành chức năng không muốn hiểu vì sao có tình trạng đó chứ vấn đề đâu có gì khó hiểu. Và như vậy thì nền giáo dục của chúng ta vẫn tốt đấy chứ còn trình độ của người học là ảo hay thực lại là... chuyện khác!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó hiểu hay... không muốn hiểu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.