(HNM) - Sau gần 3 năm ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, đến nay hầu như vẫn khó thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu do số cơ sở nhỏ lẻ nhiều, nhưng cán bộ chuyên môn ở cơ sở còn mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế...
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 18.031 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản có đăng ký kinh doanh và 210.500 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Trong đó, các quận, huyện, thị xã quản lý 16.801 cơ sở (có giấy phép đăng ký kinh doanh là 6.504 cơ sở; còn lại chưa có giấy phép). Các xã, phường, thị trấn quản lý 210.500 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Sau gần 3 năm thực hiện Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27-12-2014 của Bộ NN&PTNT về quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, ký cam kết đã thực hiện cơ bản. Tuy nhiên, việc giám sát quá trình nuôi, trồng của hộ dân còn khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, quy mô gia đình, trong khi lực lượng cán bộ kỹ thuật ít…
Ông Ngô Vi Khả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Toàn huyện có 115 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chỉ có 27 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyến xã có 1.350 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Mặc dù đến nay, các xã đã thực hiện cơ bản việc yêu cầu các hộ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu do công tác kiểm tra tại các xã, thị trấn mới dừng ở nhắc nhở, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm hành chính. Một vài cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm như: Chưa xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe cho người lao động đầy đủ; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khu vực sơ chế, chế biến không bảo đảm các điều kiện vệ sinh…
Để tháo gỡ khó khăn, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho rằng: Trước hết, các địa phương cần đẩy mạnh việc rà soát, thống kê cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở cơ sở sản xuất, trồng trọt. Đối với sơ chế, cần trang bị thiết bị, dụng cụ, vật liệu bao gói, phương tiện phù hợp trong các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển… nhằm bảo đảm không gây độc hại cho thực phẩm.
Đối với cơ sở chăn nuôi, chuồng nuôi cần tách biệt với nhà ở, thường xuyên làm sạch, khử trùng tiêu độc và có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Về giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, được tiêm phòng các bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chăn nuôi, thú y. Bên cạnh đó, cần bảo đảm thức ăn, nước uống trong chăn nuôi không gây độc hại cho vật nuôi và người sử dụng sản phẩm động vật; sử dụng thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học trong chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.