Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó đạt mục tiêu về bình đẳng giới: Đâu là nguyên nhân?

Gia Bảo| 21/03/2014 06:29

(HNM) - Tỷ lệ công dân nữ tại TP Hồ Chí Minh hiện chiếm trên 50% tổng dân số trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng lao động nữ được tuyển mới chỉ chiếm khoảng hơn 29% tổng số lượng lao động tuyển dụng. Từ đó cho thấy, công tác bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) của thành phố còn bộc lộ nhiều bất cập.


Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có trên 7,7 triệu người, trong đó, tỷ lệ nữ chiếm hơn 52% tổng dân số. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này mới chỉ có hơn 287.000 lao động nữ trong tổng số hơn 978.000 lao động nữ toàn thành phố được tuyển mới, chiếm tỷ lệ hơn 29%. Điều này phản ánh rõ nhiều hạn chế trong công tác BĐG của các cấp, ngành liên quan trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, ngành chức năng đã chi không ít ngân sách vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điển hình, theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2013, thành phố đã chi gần 5 tỷ đồng cho hoạt động BĐG và sự tiến bộ của phụ nữ, với nhiều chương trình: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về BĐG; phối hợp với dự án bạn hữu trẻ em của UNICEF triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về BĐG… Thế nhưng thực tế hiện nay hiệu quả mang lại không nhiều.

Hiện tỷ lệ lao động nữ tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn thấp hơn nhiều so với nam giới.



Một số mục tiêu chiến lược quốc gia về BĐG trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2020: Phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 30% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND trên 35%; đảng viên nữ đạt tỷ lệ 40% trở lên vào năm 2015. Phấn đấu đạt tỷ lệ 40% lao động nữ qua đào tạo nghề vào năm 2015, trong đó, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề đạt 40% và 55% vào năm 2020.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), trước hết là do các quy định trong pháp luật giữa các ngành còn chồng chéo nên khó có thể đạt được mục tiêu BĐG trên thực tế. Trong khi đó, các sản phẩm truyền thông mang tính định kiến về giới vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, ở các cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác BĐG thay đổi liên tục dẫn đến sự không ổn định và thống nhất trong việc triển khai công tác. Đặc biệt có sự chồng chéo, không phân tách giữa công việc của người thuộc Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và người hoạt động BĐG dẫn tới không ít cơ quan, đơn vị khối Nhà nước, đối tượng được cử tập huấn lại không đúng thành phần nên người cần phải tác động để thay đổi nhận thức thì không được tác động.

Để khắc phục tình trạng này, Sở LĐ-TB&XH cho rằng thành phố cần tập trung nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG cho 85% cán bộ làm công tác lĩnh vực này; nâng cao số lượng nữ giới tham gia chính quyền các cấp; triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ thực hiện BĐG như: Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm và tư vấn về BĐG.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để hoạt động BĐG trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao, Bộ LĐ-TB&XH cũng cần sớm có hướng dẫn triển khai mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực; mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ thực hiện hoạt động BĐG để làm cơ sở thống nhất triển khai; sớm sửa đổi quy định liên quan đến độ tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chế độ đối với lao động nữ, nhằm bảo đảm phụ nữ và nam giới bình đẳng thực chất trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó đạt mục tiêu về bình đẳng giới: Đâu là nguyên nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.