Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống được hơn 9 năm, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa bao quát được đầy đủ các thể loại, hình thức tác phẩm, nhất là thể loại, hình thức mới xuất hiện. Điển hình như các loại hình phim ngắn, tiểu phẩm dưới 20 phút, clip tuyên truyền, phim ca nhạc…; hoạt cảnh, màn phức hợp, tổ khúc ca cảnh... chưa được quy định.
Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ số, hiện đại cần có sự tham gia của nhiều chức danh sáng tạo nghệ thuật khác nhau như: Dàn dựng hình ảnh minh họa, kỹ xảo 3D, đạo diễn hình ảnh… chưa được đề cập trong nghị định hiện hành… Tất cả nội dung, thành phần này được nghiên cứu đưa vào phù hợp trong nghị định sửa đổi, bổ sung đang xây dựng.
Một vấn đề nữa là việc thực hiện chi trả nhuận bút, thù lao theo Nghị định số 21/2015/NĐ-CP còn mang tính chất cào bằng. Vì vậy, khi xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến mức chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Theo đó, mức chi trả cần được nghiên cứu, có cách thức tính toán phù hợp và theo hướng tăng thêm...
Nếu thực hiện được những nội dung sửa đổi, bổ sung như nêu trên sẽ đáp ứng với sự thay đổi, phát triển trong thực tiễn của hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị nghệ thuật, địa phương triển khai thực hiện chi trả nhuận bút, thù lao thuận lợi, khích lệ các văn nghệ sĩ và người sáng tạo tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng, đột phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.