Uống trà chỉ thực sự có lợi cho sức khỏe nếu có chừng mực vì trong trà có thể chứa các hợp chất độc hại không tốt cho sức khỏe.
Trà là loại thức uống phổ biến trên thế giới và cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh uống trà không những giúp bạn tỉnh táo, tăng năng lượng để làm việc mà nó còn có thể giúp giảm nguy cơ trầm cảm, ung thư buồng trứng, bệnh mất trí nhớ và Parkinson.
Thế nhưng, cũng như bất kì loại thức uống khác, uống trà chỉ thực sự có lợi cho sức khỏe nếu có chừng mực và đúng lúc, đúng cách. Hơn nữa, trong trà có thể chứa các hợp chất độc hại không tốt cho sức khỏe. Lượng chất độc hại này có thể khác nhau trong mỗi loại trà, tùy thuộc vào các yếu tố như: Môi trường, cách trồng trà, cách chế biến, bảo quản của các hãng sản xuất...
Kim loại nặng: Trong một nghiên cứu năm 2013 công bố trên tạp chí Journal of Toxicology, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 30 loại trà và thấy rằng tất cả đều có một lượng lớn chì - chất có thể gây suy tim , thận và các vấn đề sinh sản. Khoảng 73% các loại trà ủ trong vòng ba phút, và 83% loại trà ngâm trong 15 phút chứa hàm lượng chì vượt giới hạn và 20% các loại trà ủ trong 15 phút chứa hàm lượng nhôm không an toàn. Một nghiên cứu năm 2015 phát hiện ra rằng các loại trà pha thêm axit citric cũng sẽ làm tăng thêm lượng nhôm, cadmium và chì.
Florua: Theo Laura Chan, Tiến sĩ, giáo sư tại trường đại học Derby của Anh, có thể do sự khác biệt trong các bộ phận của cây trà được thu hoạch và kỹ thuật chế biến mà mỗi loại trà có hàm lượng florue khác nhau. Tiêu thụ quá nhiều florua có thể gây hại cho răng, xương và khớp.
Pyrrolizidine alcaloid: Một nghiên cứu từ tháng 11 năm 2015 trên tạp chí Food Chemistry đã phân tích 44 mẫu của các loại trà thảo dược dành cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai, cho con bú. Họ phát hiện ra rằng 38 trong số đó - chiếm, 86% có chứa alkaloid Pyrrolizidine - các độc tố có thể gây tổn thương gan. Phát hiện này có tầm quan trọng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, vì sự độc hại của alkaloid Pyrrolizidine có thể dễ làm suy giảm sức khỏe của người mẹ và tổn thương thai nhi, trẻ sơ sinh.
Lưu ý khi uống trà để an toàn |
- Theo giao sư Gerry Schwarfenberg, thuộc Đại học Alberta, Edmonton, Canada, nếu có thể, tránh uống trà ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao. Nên chọn loại trà non để cây chưa hấp thụ nhiều kim loại nặng và nên pha trà vào bình thủy tinh thay vì các dụng cụ tráng men vì trong các sản phẩm tráng men có thể chứa chì và lẫn vào trà.
Bạn cũng có thể giảm thiểu tác động của các kim loại nặng bằng cách bổ sung đủ vitamin D và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Theo Tiến sĩ Magdalena Jeszka-Skowron, thuộc Đại học Poznan Công nghệ ở Ba Lan, các loại trà túi thường có chất lượng kém hơn nhưng cũng nhiều kim loại độc hại hơn so với trà nguyên lá, vì vậy, hãy hạn chế uống trà túi. Chỉ nên cho chanh vào trà sau khi bỏ bã trà ra, nếu không, khi thêm chanh vào, độ pH trong trà giảm đi và các kim loại độc hại tăng lên.
- Tiến sĩ Till Beuerle, từ Đại học công nghệ Braunschweig, khuyên bạn: Cho dù bạn chỉ uống một loại trà ưa thích thì cũng không nên chỉ uống trà của một nhãn hàng, thay vào đó hãy uống của nhiều thương hiệu khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng không nên uống trà lúc đói để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.