(HNM) - Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V.League) 2014 mới qua vòng 1, chưa để lại dấu ấn gì đặc biệt về chuyên môn nhưng đâu đó đã có mối lo ngại về sự
Từ lâu, V.League đã mất hấp dẫn bởi lối chơi bạo lực trong các trận đấu cũng như sự nương tay của các trọng tài. Đến lực lượng này còn "mềm nắn, rắn buông" thì khó đòi hỏi bóng đá Việt Nam có nhiều những trận thi đấu đẹp và hấp dẫn. Bởi trông vào cầu thủ thì gần như không thể vì hiện tại thiếu "nghệ sĩ sân cỏ" nhưng thực sự đang thừa những cầu thủ sẵn sàng làm đối phương mất nghiệp vì những pha bóng triệt hạ của mình. Những tình huống vào bóng cao chân đầy chủ ý, những pha bay người dùng gầm giày vào thẳng ống đồng đối phương… đã quá quen thuộc ở V.League. Nhưng nhiều tình huống lại chỉ bị thẻ vàng, có lúc lại không bị phạt thẻ. Thi đấu thô bạo như vậy nhưng không bị phạt nặng nên cầu thủ càng được dịp thể hiện "võ nghệ' trước đồng nghiệp. Ở khâu đào tạo trẻ, cầu thủ đã nhiễm lối chơi bạo lực, đến khi vào sân chơi cao nhất là V.League cầu thủ lại được nương tay. Thế nên, người ta đã nhìn vào V.League với ánh mắt thờ ơ. Trong khi đó, ngày ngày được xem cách điều hành của trọng tài ở những sân cỏ chuyên nghiệp hàng đầu Châu Âu nên người hâm mộ tránh sao không khỏi so sánh. Ở đó, trọng tài thực sự bảo vệ cầu thủ nên một hành vi vào bóng thô bạo, kể cả không gây chấn thương cho đối thủ cũng bị phạt thẻ đỏ.
Trọng tài Nguyễn Đức Vũ điều hành trận đấu tại Lạch Tray trong trận Hải Phòng gặp Thanh Hóa. Ảnh: Anh Tuấn |
Ở đó, những cầu thủ luôn có ý thức bảo vệ đồng nghiệp. Họ phạm lỗi đủ để gây khó khăn cho đối phương chứ không đến mức phải triệt hạ với tỷ lệ cao như ở V.League. Vì thế, các trận đấu ở những giải chuyên nghiệp hàng đầu Châu Âu giàu tính cống hiến hơn, hấp dẫn hơn.
Trên lý thuyết, những người cầm cân nảy mực ở V.League hoàn toàn có thể khắc chế được những cầu thủ định dùng lối chơi bạo lực với đối phương. Quan trọng là họ có dám làm theo đúng tinh thần của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) là phải bảo vệ cầu thủ tối đa trước lối chơi bạo lực hay không. Trong mỗi đợt tập huấn, các trọng tài cũng được quán triệt điều này. Có điều, khi lâm trận, nhiều người lại điều hành theo hướng an toàn cho bản thân và đương nhiên là cầu thủ cũng vì thế mà "được đằng chân, lân đằng đầu", thi đấu phi thể thao gia tăng.
Vòng 1 V.League 2014 vừa qua, trong 6 trận đấu, trận Hải Phòng - Thanh Hóa là trận duy nhất không có bàn thắng nhưng lại gây chú ý bởi lối chơi bạo lực của cầu thủ hai bên, nhất là phía chủ nhà Hải Phòng. Những pha vào bóng thừa, những pha triệt hạ đối phương lại tái hiện trong sự xử lý rụt rè của trọng tài Nguyễn Đức Vũ. Với cách cầm còi như vậy, các cầu thủ hai bên không thể chơi bóng mà chỉ lo tránh đòn của đối phương. Vì vậy, người ta không lạ khi không có thẻ đỏ nào được trọng tài Nguyễn Đức Vũ rút ra. Chưa ai đưa ra nhận định trọng tài này có vấn đề về tư tưởng nhưng chính người phụ trách Ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam cũng phải thừa nhận là trọng tài Nguyễn Đức Vũ "hơi hiền". Mà "hiền" trong những trận đấu này lại là lỗi lớn. Điều đó sẽ dung dưỡng lối chơi bóng thiếu văn hóa của cầu thủ cũng như gián tiếp đưa khán giả rời xa bóng đá quốc nội.
Bóng đá Việt Nam lúc này cần nhiều trọng tài đủ dũng cảm đưa ra những hình thức kỷ luật để buộc cầu thủ phải dùng tài năng để ngăn chặn đối thủ chứ không phải dùng "võ đường phố". Nếu cứ "hiền" thì xem ra không ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.