Xã hội

Khí thế mới, vận hội mới

Đào Nga 18/02/2024 - 14:31

Năm 2024 là vừa tròn 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Nhìn lại 70 năm qua, Hà Nội luôn kiên trì mục tiêu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn 2024, Hà Nội Ngày nay ghi lại một số ý kiến thể hiện rõ sự nhất quán trong quan điểm phát triển, tận dụng tối đa những vận hội để góp sức dựng xây Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

yk-pham-tuan-long.jpg

Hà Nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Thủ đô nêu cao lòng tự hào xây dựng Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Điều cần có là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm, đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa các nghị quyết của Đảng, tạo sức bật mới cho Thủ đô. Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu đi đầu, gần dân, sát dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn với phương châm lấy “dân làm gốc”; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần thực hiện thật tốt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Để khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, quận Hoàn Kiếm tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ, tinh thần phục vụ nhân dân, đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Hai trụ cột để Thủ đô phát triển bền vững

yk-dao-ngoc-nghiem.jpg

Nhìn lại từ năm 1954 đến nay, hiếm có đô thị nào như Hà Nội khi đã qua 7 lần xây dựng quy hoạch chung (các năm 1962, 1974, 1976, 1982, 1992, 1998, 2011). Mỗi lần thực hiện quy hoạch đều được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, được Trung ương xem xét, Quốc hội thông qua để Thủ tướng quyết định, tạo ra bước đột phá mới cho phát triển Thủ đô.

Chúng ta vẫn không khỏi xúc động trước hình ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô vào ngày 16-11-1959. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”. Khái quát chặng đường lịch sử 70 năm qua kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô, công tác quy hoạch đã luôn đi trước một bước, định hướng, dẫn dắt Thủ đô phát triển. Năm 2023, Hà Nội song hành thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và đặc biệt là sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô. Nếu Luật Thủ đô năm 2012 quy định “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô” thì tại lần sửa đổi này, dự thảo Luật nêu “Việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô”. Như vậy, chúng ta sẽ có 2 trụ cột để bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Đảng viên Lê Đức Hoàn (75 năm tuổi Đảng, Chi bộ phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín):
Phấn đấu góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

yk-le-duc-hoan.jpg

Tôi vinh dự và tự hào khi được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống giặc ngoại xâm. Trong những giai đoạn lịch sử đó, Hà Nội luôn vững vàng cùng cả nước vượt qua mưa bom, bão đạn, kiên cường tham gia đánh thắng thực dân Pháp và chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng oanh liệt của cha ông, Hà Nội thực sự trở thành Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng của một dân tộc anh hùng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Hà Nội tiếp tục phát huy tốt vai trò đi đầu. Với thành tựu quan trọng đạt được trên hầu hết các lĩnh vực công tác, Hà Nội góp phần đáng kể tạo nên diện mạo, thế và lực mới, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Thủ đô và đất nước trong khu vực và trên thế giới. Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo cho Hà Nội nhiều thời cơ phát triển mới nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động góp sức xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Song Phương, huyện Hoài Đức):
Nỗ lực tham gia nâng cao chỉ số cải cách hành chính

yk-nguyen-thi-tuyet.jpg

Là một đảng viên trẻ, tôi dành tình yêu, trách nhiệm cho công việc, mong muốn đóng góp sức mình vào mục tiêu nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương. Nhận thấy hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay là vô cùng cần thiết, tôi đã xây dựng và triển khai đề tài “Ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật” trong năm 2023, qua đó đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn xã Song Phương.

Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố luôn xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Sự vào cuộc quyết liệt, tăng tốc triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương đã cho ra nhiều sáng kiến, nhiều ứng dụng bước đầu phát huy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc thành phố miễn phí các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo phương thức trực tuyến đã tạo điều kiện giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, sự đa dạng, sáng tạo trong công tác triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vừa là yêu cầu, vừa là động lực để chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành phố đến gần hơn với người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người số, xã hội số, chính quyền điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí thế mới, vận hội mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.