(HNMCT) - Nạn sách giả luôn khiến nhà quản lý và các đơn vị xuất bản phải đau đầu. Không chỉ được bày bán ê hề trên hè phố hay ở nhiều cửa hàng sách mà sách giả, sách lậu đã “tấn công” vào thị trường sách online thông qua các trang điện tử hay mạng xã hội.
Mới đây, một số đơn vị làm sách đồng loạt công bố danh sách những fanpage đang công khai rao bán sách giả, sách lậu trên mạng xã hội Facebook với đủ “chiêu” chèo kéo bạn đọc.
Sách giả - tưởng rẻ hóa “đắt”
Độ “nóng” của các fanpage rao bán sách trên mạng xã hội hiện nay liên quan tới những cái tên dễ “dụ” bạn đọc ham mua sách với giá rẻ. “Tổng kho sỉ lẻ sách Hà Nội”, “Hiệu sách giá gốc”, “Family books”, “Tổng kho sách Việt”, “Sách hay giá rẻ”, “Mọt sách Hà Nội”, “Tổng kho sách - Trang chuyên thanh lý hàng xuất dư”... Những cái tên đó khiến bạn đọc ngỡ như mình đang tìm được “cửa hàng” bán sách với giá gốc, có mức chiết khấu cao và thậm chí là bán hàng không lợi nhuận. Tại đây, những cuốn sách “hot”, sách kinh điển được rao bán với giá giảm “kịch sàn”, đủ khiến người mua hoa mắt.
Nhưng, thực chất, trong rất nhiều trường hợp mức giảm được đưa ra hoàn toàn mang tính “ảo”. Đông A Books, đơn vị duy nhất có bản quyền các tác phẩm của nhà văn Mario Puzo tại Việt Nam, thông tin: “Hiện nay, trên thị trường sách xuất hiện một số ấn bản các tác phẩm của Mario Puzo không do Đông A phát hành. Đó là sách bị làm giả, làm nhái theo ấn bản của Đông A. Họ tăng giá bìa, sau đó giảm giá bán để thu hút người mua”. Ví dụ, fanpage “Ngôi nhà tri thức” nâng giá bìa của một cuốn sách lên gần gấp đôi, từ 610.000 đồng lên 1.192.000 đồng, sau đó tuyên bố bán “thanh lý kho” với giá 499.000 đồng. Mức giá “thanh lý” thực chất còn cao hơn giá bán sách thật đã được chiết khấu theo thông báo tại website chính thức của Đông A. Chưa kể, sách giả không có boxset (hộp đựng cả bộ sách), không bọc màng co, mỏng hơn rất nhiều so với sách thật vì in trên giấy chất lượng thấp, màu sắc nhòe, mờ, in lệch dòng, xô chữ, căn lề không thẳng, gáy sách dễ bung... Tưởng giá rẻ mà lại không hề rẻ, và điều quan trọng là đó không phải sách thật.
Nhiều fanpage rao bán sách giả, sách lậu thường cam kết với khách rằng sách được in chuẩn, được giảm giá là do hàng xuất dư, in nối bản. “Chiêu” câu khách này hiện bị các đơn vị làm sách chân chính bác bỏ. Để đánh lừa người đọc, nhiều trang bán hàng còn lấy những cái tên mập mờ, khó phân biệt thật giả như “Nhà sách Tuổi Trẻ books”, “NXB Nhã Nam - Trang chuyên xả hàng tồn kho”, “Xưởng in Nhà xuất bản Trẻ”... Song, đại diện của NXB Trẻ hay Nhã Nam Books đều khẳng định những trang này là mạo danh. Ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Bản quyền Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, cho biết: “Một số bộ sách như Mật mã Tây Tạng, Ma thổi đèn của Nhã Nam đã được xuất bản từ gần chục năm trước và đã bán hết sách tại các đại lý chính thức. Hiện công ty chưa có kế hoạch tái bản hai bộ sách này. Những trang fanpage đang rao bán sách đều không phải là trang chính thức của Nhã Nam”. NXB Trẻ cũng lên tiếng về các fanpage bán sách lậu khi những bộ sách có sức mua lớn của NXB này bị làm giả, in lậu. Như bộ sách Harry Potter là một ví dụ: Từ năm 2017, NXB Trẻ đã tái bản với phiên bản bìa mới kèm theo tem thông minh, song ở trên các trang bán sách giả, sách lậu vẫn tràn lan hình ảnh bộ sách với bìa kiểu cũ kèm lời quảng cáo “sách chuẩn, mới 100%”.
Để “câu” bạn đọc, các chuyên trang bán sách giả thường xuyên sử dụng thuật toán chạy quảng cáo nhằm tiếp thị sách giả. Thậm chí, nhiều trang còn ngang nhiên đăng tải địa chỉ và số điện thoại, phương thức giao hàng để nhận đặt hàng với số lượng lớn. Bức xúc trước việc các trang quảng cáo bán sách giả hoạt động công khai trên mạng xã hội, các đơn vị làm sách như First News - Trí Việt, Alpha Books mới đây đã công bố danh sách hơn 40 trang fanpage thuộc loại này nhằm cảnh tỉnh bạn đọc.
Gia tăng tiện ích cho sách thật
Trên một số group về sách, có một câu hỏi mà không ít bạn đọc trẻ đặt ra khiến giới xuất bản rầu lòng: “Tại sao tôi phải “chung tay” tố cáo nếu tôi mua được sách với giá rẻ hơn mà kiến thức vẫn thế?”. Lấy sự nghèo làm nguyên nhân, biện giải do không có tiền nên phải mua sách giả..., điều đó cho thấy nhận thức của một bộ phận người đọc chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sách thật.
Khi sách giả, sách lậu lộng hành, các đơn vị sách nước ngoài có thể dừng bán bản quyền cho Việt Nam, và độc giả là người đầu tiên chịu thiệt khi mất đi cơ hội tiếp cận với kho tri thức mới. Sách giả, sách lậu không chỉ kém về hình thức, mà quan trọng hơn, nội dung của sách có thể bị sai lệch, thiếu trang, mất dòng, thông tin không đầy đủ - điều vô cùng nguy hiểm, nhất là sách về sức khỏe, sách dành cho trẻ em. Rất nhiều cuốn sách nổi tiếng của First News - Trí Việt, Alpha Books và các NXB khác bị các nhóm làm giả. Ngay cả một cuốn sách dành để góp tiền làm từ thiện - mổ tim cho trẻ em nghèo - cũng bị 4 nhóm làm giả.
Nếu thực sự không có điều kiện mua sách thật, bạn đọc có thể thông qua hệ thống thư viện để mượn sách, hoặc tìm mua bản số hóa (ebook) với giá vô cùng hợp lý. Còn những bạn đọc có ý thức tẩy chay sách giả hoàn toàn có thể sử dụng hình thức report để cùng tố cáo các trang fanpage rao bán sách giả, sách lậu trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, câu hỏi làm giới xuất bản phải rầu lòng - như đã nêu trên - cũng mở ra cho các đơn vị làm sách phương cách khác nhằm thu hút bạn đọc đến với sách thật, bảo vệ sách thật, trong đó có giải pháp gia tăng tiện ích cho sách - điều mà một số nước trên thế giới đã thực hiện. Ví dụ như khi mua một cuốn sách thật, bạn đọc sẽ được tặng một mã đọc điện tử, đường dẫn để download tài liệu bổ trợ cho sách, được tham khảo, được tham gia một khóa học trực tuyến có liên quan... Với dòng sách văn chương, quà tặng kèm theo có thể là tranh, ảnh, sổ tay hay những bookmark có ý nghĩa.
Nói một cách khác, muốn chống sách giả, sách in lậu thì sách thật phải thể hiện sự vượt trội trên nhiều phương diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.