Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi quản lý bị buông lỏng

Quỳnh Phạm| 26/06/2012 06:45

(HNM) - Những năm qua, các chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH đã huy động được nguồn lực của các trường, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương, tạo cơ hội học tập cho nhiều người.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng đã tạo điều kiện cho các trường tiếp cận nhanh nền giáo dục tiên tiến. Trong 3-4 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT thường tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra đối với hoạt động này. Tuy nhiên, như kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ thì hoạt động liên kết đào tạo còn có nhiều vi phạm.

Công tác liên kết đào tạo hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: Bùi Tuấn

Sai từ tuyển sinh tới thu - chi

Ghi nhận trước tiên là việc xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo quy định về quản lý liên kết đào tạo còn nhiều bất cập, từ việc quy định, quản lý lựa chọn đối tác liên kết cũng như ngành nghề đào tạo, đến đối tượng và hình thức tuyển sinh, quản lý quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng và cấp bằng...

Các cuộc kiểm tra từ năm 2006 đến năm 2010 đã phát hiện có tới 46,5% (195/419) chương trình tuyển sinh hệ vừa làm vừa học khi chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép. Có 54/419 chương trình liên kết có địa điểm đặt lớp không đúng quy định, 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu cho phép. Thậm chí hồ sơ lưu trữ của các lớp liên kết đào tạo ĐH từ năm 2006 đến năm 2008 của Trường ĐH Sư phạm Vinh không có danh sách thí sinh dự thi. Có trường liên kết đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở không có phép của Bộ, trường thì cho phép các học viên làm tiểu luận thay vì viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Đặc biệt là công tác quản lý tài chính bị buông lỏng, cả quy định về học phí lẫn quản lý sử dụng học phí. Điểm này thấy rõ nhất trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài như: thu thêm học phí học ngoài giờ, tự đặt mức phí tuyển sinh, thực hiện trích các quỹ không đúng quy định. Thông báo tuyển sinh của một số trường như ĐH Vinh, Viện ĐH Mở Hà Nội không thể hiện thông tin về lệ phí thi, học phí khóa học. Tại thời điểm thanh tra, Bộ GD-ĐT còn chưa có quy định về mức học phí trong liên kết đào tạo quốc tế, dẫn đến các trường tự thỏa thuận mức thu với đối tác nên rất khác nhau, quản lý thu chi cũng khác nhau và nhiều chương trình liên kết có mức thu quá cao. Chương trình thạc sĩ thu thấp nhất là 3.500 USD/khóa của lớp cao học Việt Nam - Hà Lan (Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Mức cao nhất là 13.500 USD/khóa (cử nhân quản trị kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Mức phổ biến là từ 8.000 USD đến 10.000 USD/khóa học. Theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì cao gấp khoảng 20 lần (200 triệu đồng/10 triệu đồng)...

Đã có hành lang pháp lý mới

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân của những sai phạm này là do có sự buông lỏng quản lý, từ khâu xác định đối tượng tuyển sinh, quá trình thực hiện các khâu trong đào tạo và công tác quản lý thu, chi lệ phí, học phí. Việc Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn kịp thời, chi tiết việc liên kết đào tạo, không có quy định cụ thể về đào tạo ĐH và sau ĐH của chương trình liên kết quốc tế dẫn đến các vi phạm trong hoạt động này.

Về khách quan, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế về quản lý liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong và ngoài nước còn chưa kịp thời, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Ngoài ra, việc thực hiện quyền tự chủ tài chính, một mặt tạo điều kiện cho các trường có nguồn thu hỗ trợ ngân sách nhà nước, góp phần tăng thêm vốn đầu tư, mặt khác, do các trường quá quan tâm vào tăng nguồn thu tài chính nên dễ phát sinh các vi phạm trong quá trình liên kết đào tạo.

Ngoài trách nhiệm thuộc về lãnh đạo và cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục, có trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT. Đây cũng là điều mà Thanh tra Chính phủ đã nêu trong kết luận: Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn đầy đủ và kịp thời về kế hoạch, chiến lược cụ thể, chưa có tổng kết đánh giá để chấn chỉnh kịp thời việc liên kết đào tạo, nhất là liên kết quốc tế. Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi cũng đánh giá: Hoạt động liên kết đào tạo phát triển nhanh và quản lý không theo kịp. Nhiều quy định còn lỏng lẻo, sơ hở. Ông cũng cho biết, đây là nhận định được rút ra từ quá trình làm Luật Giáo dục đại học.

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động liên kết đào tạo, ngoài những việc để sửa sai như xử lý các cơ sở tuyển sinh vượt chỉ tiêu, các chương trình chưa có giấy phép nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo, xem xét không công nhận bằng cấp với các chương trình trái quy định… Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị những giải pháp mang tính lâu dài. Đó là, hướng dẫn các trường ĐH trình tự hạch toán kế toán, theo dõi riêng đối với các khoản thu có tính chất dịch vụ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi có phát sinh thu nhập; cần sớm xây dựng, ban hành quy định về hoạt động này…

Sau kết luận của cơ quan thanh tra, đặc biệt là sự ra đời của Luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có một chương nói về hoạt động liên kết với những chỗ trống sẽ có quy định điều chỉnh, những quy định chưa đạt yêu cầu đối với công tác quản lý đã được chỉnh lý, hoạt động liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế trong giáo dục ĐH sẽ tốt hơn - đó là điều dư luận mong chờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi quản lý bị buông lỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.