Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các họa sĩ - nhà giáo Chi hội 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng viên Khoa Mỹ thuật cơ sở Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp phối hợp trưng bày những sáng tác mới tại Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp (360 La Thành, Hà Nội).
Gần 60 tác phẩm trưng bày tại triển lãm của các họa sĩ - nhà giáo sử dụng chất liệu khá đa dạng: sơn dầu, sơn mài, acrylic, khắc gỗ, in kẽm, in thạch cao, điêu khắc, gốm… Đề tài phong phú, từ chân dung, phong cảnh, đời sống sinh hoạt đến lao động sản xuất… Các tác phẩm đều bảo đảm tiêu chí nghệ thuật, lại như một bài thị phạm nghiêm túc. Lướt qua những "Đồng Văn" - Nguyễn Chính Trung, "Bác Hồ" - Yên Hòa, "Quê hương đất Tổ" - Trần Gia Bình, "Gặp gỡ" - Giang Khích, "Trà chanh" - Trần Từ Thành, "Chiều thu" - Lê Văn Thìn, "Người học trò đáng kính" - Nguyễn Văn Nghị, "Bên kia thành phố" - Ngô Bá Thảo, "Họa sĩ Hà Nội" - Võ Tá Hùng, "Tuổi mười sáu" - Lê Thân, "Mùa đông" - Nguyễn Thu Trang, "Hoa trái" - Phùng Hoa Miên, "Chợ Giản ba" - Vũ Hương Quỳnh... dễ dàng nhận ra nét cọ khoáng đạt, phiêu du đầy màu sắc. Người xem cảm nhận một Thăng Long oai hùng, vị lãnh tụ giản dị, một không gian miền núi êm đềm, những con phố vẳng tiếng rao hàng sớm hôm, nỗi niềm thiếu nữ…
Phòng tranh không chỉ mang đến một không khí chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam mà còn là một không gian của màu sắc, của ngôn ngữ tạo hình. Mỗi bức tranh, mỗi gam màu là sự thể hiện cảm xúc trên mặt toan, có lúc thể hiện sự dồn nén bố cục, khi cuồn cuộn ý tưởng, lúc lồ lộ nét chấm phá thể hiện cá tính… Ấn tượng để lại cho người xem là những tà áo dài thiếu nữ, những mái ngói cổ kính lô xô, những chồi non đang lúc vươn mình, sự vươn lên mãnh liệt của những tòa nhà hiện đại… Cách thức phản ánh sự hài hòa mà vẫn rõ nét tương phản của cuộc sống đời thường trong cùng một tác phẩm cho thấy những trải nghiệm nghề nghiệp dạn dày của các họa sĩ - nhà giáo. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm đều như có hồn, sâu sắc và rõ sự rung động.
Các tác phẩm lựa chọn giới thiệu hầu hết được thực hiện trong năm 2012, cho thấy sự sung sức của các họa sĩ - nhà giáo. Lão họa sĩ Ngọc Thọ, gần 90 tuổi, đang nằm trên giường bệnh nhưng tác phẩm sơn mài "Rồng Thăng Long" của ông với hình tượng rồng và triết lý âm dương xoay vần vẫn khiến người xem trầm trồ. Ở đó toát lên nội lực sáng tạo mãnh liệt của con người bên trong vỏ bọc già cỗi. Bên cạnh đó, rất nhiều họa sĩ - nhà giáo trẻ về tuổi đời, nhờ được đào tạo bài bản nên đủ sức thể hiện quan niệm mới trong tác phẩm. Thiên về đề tài hiện thực, tác phẩm của họ chắc khỏe, bút pháp hay và bố cục đẹp. Sự kết hợp chất liệu mới mang đến hiệu quả nghệ thuật. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật công nghiệp hay họa sĩ Giang Khích, Chi hội trưởng Chi hội Hội họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam khi đến xem triển lãm đều có chung nhận định về chất lượng tốt của các tác phẩm.
Đây là triển lãm mang tính truyền thống và nhiều ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, đặc biệt là với các họa sĩ trẻ đang tham gia công tác giảng dạy hình họa, cơ sở tạo hình tại Khoa Mỹ thuật cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.