Trong khi cầu Vĩnh Tuy mới, ôtô được lưu thông tối đa 60km/h, xe máy 40 km/h thì ở cầu Vĩnh Tuy cũ, ôtô chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 40 km/h, xe máy 30km/h. Ngoài ra, sự khác biệt về phương án tổ chức giao thông tại cầu đang khiến nhiều người dân lúng túng.
Đã 10 ngày kể từ khi cầu Vĩnh Tuy mới thông xe, nhiều người dân vẫn bối rối khi lưu thông trên 2 hướng của cây cầu này. Ông Hoàng Văn Tiến (ở Việt Hưng, Long Biên) cho biết, mỗi buổi sáng, khi lái xe từ Long Biên sang Minh Khai làm việc, ông đều chứng kiến cảnh nhiều ôtô lúng túng khi di chuyển trên cầu Vĩnh Tuy cũ.
“Theo biển báo đề trên giá long môn, chiều cầu Vĩnh Tuy cũ có 5 làn xe (4 dành cho ôtô và 1 dành cho xe máy), thế nhưng nhìn vào vạch kẻ đường hiện tại, người dân lại đang mặc định là có tới 6 làn xe” - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, do hiện tại trên cầu Vĩnh Tuy cũ vẫn tồn tại 1 vạch liền kép và 2 vạch liền nên nhiều ôtô không dám chuyển làn. Trong khi đó, rất nhiều xe máy di chuyển vào làn của ôtô, khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giờ cao điểm.
Trong khi đó, anh Lê Đình Sơn (ở Phúc Lợi, Long Biên) thắc mắc về việc, tại sao khi cầu được mở rộng gấp đôi cầu cũ, nhưng tốc độ tối đa để di chuyển trên cầu lại giảm xuống.
Anh Sơn cho biết, sau khi cầu mới thông xe, tình trạng ùn tắc trên cây cầu này đã giảm đáng kể. Không những vậy, với những khung giờ không phải cao điểm, cây cầu còn thông thoáng. Song các phương tiện lại không thể tiết kiệm thời gian hơn khi di chuyển theo hướng Long Biên - Hai Bà Trưng do bị giới hạn tốc độ ở mức 40km/h.
"Thời điểm cầu Vĩnh Tuy mới vẫn còn đang xây dựng, ôtô được đi với tốc độ 50km/h. Thế nhưng bây giờ, khi cầu được mở rộng to, đẹp gấp đôi, thì chúng tôi lại chỉ còn được đi với tốc độ 40km/h ở trên cầu cũ" - anh Sơn nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại đầu cầu Vĩnh Tuy mới và cầu Vĩnh Tuy cũ hiện đang lắp đặt hệ thống biển báo không đồng bộ. Phương án tổ chức giao thông trên 2 chiều cầu cũng khác nhau.
Theo đó, tại cầu Vĩnh Tuy mới, ôtô được lưu thông tối đa 60km/h, xe máy 40km/h, nhưng tại cầu Vĩnh Tuy cũ, ôtô chỉ được lưu thông với tốc độ tối đa 40km/h, xe máy 30km/h.
Cầu mới có 4 làn xe, 3 làn xe ôtô mỗi làn rộng 3,75m, làn xe máy rộng 4,8m và có dải phân cách cứng ở giữa. Trong khi đó, cầu cũ có 5 làn xe, 4 làn ôtô mỗi làn rộng 3m và làn xe máy chỉ rộng 2,7m. Cầu cũ không có dải phân cách cứng ở giữa.
Sự khác biệt giữa 2 chiều cầu khiến nhiều phương tiện lưu thông bối rối, dù cho cầu mới đã thông xe được 10 ngày.
Liên hệ với một lãnh đạo của Sở GTVT Hà Nội để hỏi về vấn về không đồng nhất giữa 2 chiều cầu, phóng viên được cung cấp một văn bản liên quan đến phương án phân luồng tổ chức giao thông tại cây cầu này.
Theo đó, sau khi cầu Vĩnh Tuy mới được thông xe, phương án tổ chức giao thông cầu Vĩnh Tuy cũ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 30-8, sẽ tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông 1 chiều trên mặt cầu Vĩnh Tuy cũ theo hướng từ Long Biên đi Hai Bà Trưng với 4 làn xe cơ giới - tốc độ khai thác tối đa 40km/h; 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - tốc độ khai thác tối đa 30km/h. Phân chia làn xe cơ giới với làn xe hỗn hợp bằng vạch sơn chia làn và hệ thống biển báo hướng dẫn phân làn xe, biển cảnh báo “Tuyến đường đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng đảm bảo giao thông” trên giá long môn.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 30-9, tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông 1 chiều trên mặt cầu Vĩnh Tuy cũ với 3 làn xe cơ giới - tốc độ khai thác tối đa 60km/h; 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - tốc độ khai thác tối đa 40km/h.
Làn xe cơ giới với làn xe hỗn hợp được phân chia bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng dẫn phân làn xe trên giá long môn.
Như vậy, sau khi hoàn thành việc tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy cũ giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy cũ và cầu Vĩnh Tuy mới sẽ được đồng nhất về biển báo, tổ chức giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.