Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi khoa học đồng hành với đời sống

Văn Giang| 22/04/2011 07:10

Giải thưởng Sáng tạo khoa học, công nghệ (VIFOTEC) 2010 vừa được trao cho 41 công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc 6 lĩnh vực. Những sản phẩm này đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng và đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Thạc sỹ Trịnh Ngọc Diệu với thiết bị cung cấp nước cao cấp cho các máy chạy thận nhân tạo.


Trong số các công trình được vinh danh dịp này, không thể không nhắc tới giải nhất trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, được trao cho công trình "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo thử thiết bị cung cấp nước cao cấp cho các máy chạy thận nhân tạo" của Thạc sỹ Trịnh Ngọc Diệu và cộng sự thuộc Viện Vật lý. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ đạt trình độ nước ngoài, đó là công nghệ xử lý vi lọc, làm mềm, thẩm thấu ngược cao áp và khử khuẩn. Điều này giúp giá thành sản phẩm giảm được 1/3 so với nhập ngoại. Hẳn với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thu nhập trung bình, thông tin đó đáng quý biết bao.

Vài năm trở lại đây, thương hiệu "Boganic" trở nên quen thuộc với không ít gia đình và có mặt ở tất cả các cơ sở y tế trên cả nước. Đây là một trong những lý do để công trình "Nghiên cứu sản xuất thuốc bổ gan giải độc Boganic từ dược liệu Việt Nam" của Thạc sỹ Nguyễn Huy Văn và cộng sự thuộc Công ty cổ phần Traphaco đã được trao giải nhất lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Đây là kết quả nghiên cứu toàn diện, liên hoàn từ nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu - sản xuất đến thương mại hóa sản phẩm. Theo Ban tổ chức VIFOTEC, ý nghĩa của nghiên cứu này là cung cấp cho xã hội sản phẩm thuốc bổ gan có giá thành thấp hơn thuốc ngoại cùng chất lượng từ 3 đến 5 lần. Mặt khác, hàng nghìn hộ nông dân nhờ trồng ba loại dược liệu actiso, rau đắng, bìm bìm nên đã thoát nghèo.

Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu, công trình "Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu ống nano cácbon" của GS-TS Phan Hồng Khôi và cộng sự thuộc Viện Khoa học Vật liệu xuất sắc đoạt giải nhất. Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu thành công thiết bị và công nghệ chế tạo ống nano cácbon quy mô lớn, có đầu tư ban đầu thấp, giảm giá thành sản phẩm. Đến nay, các nhà khoa học đã thành công trong ứng dụng vật liệu nano cácbon trong sản xuất cao su bạc tự bôi trơn cho các thiết bị bơm nước công suất lớn; trong kỹ thuật mạ Cr, Ni nhằm tăng độ cứng và khả năng chống mài mòn... Đặc biệt, sản phẩm ống nano cácbon "Made in Việt Nam" có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm chất lượng tương đương của Trung Quốc, Mỹ.

Khác với các công trình trên, đề tài của TS. Phùng Đức Tiến và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương hướng vào ngành chăn nuôi, cụ thể là làm chủ quy trình sản xuất giống đà điểu có giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất giống đà điểu chất lượng cao, không cần nhập ngoại, đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi đà điểu phục vụ nội tiêu, hướng đến xuất khẩu. Cùng với nghiên cứu về giống, các tác giả cũng làm chủ một loại giải pháp kỹ thuật để hoàn thiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác nguồn thức ăn sẵn có, giải pháp thú y... Ngoài ra, quy trình ấp nở trứng đà điểu đầu tiên ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thực hiện đạt tỷ lệ nở/trứng có phôi từ 69% đến 71%, tương đương các chỉ tiêu ấp nở quốc tế. Theo tính toán, đề tài nghiên cứu nêu trên đã làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng và mở ra ngành sản xuất mới cho hàng nghìn gia đình trên cả nước.

Trong khi đó, đề tài "Tạo các cá thể bò con bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm từ các tế bào trứng và tinh trùng đông lạnh" của Thạc sỹ Phan Kim Ngọc và cộng sự thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh góp phần quan trọng cho công tác phát triển và nhân nhanh đàn bò sữa của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các nhà khoa học đã làm chủ quy trình tạo ra bò con được chọn lọc về giới tính, có tính trạng mong muốn…

Những công trình được giới thiệu trên chưa đủ để nói hết ý nghĩa của giải thưởng VIFOTEC 2010. Nhưng rõ ràng, đó là minh chứng cho thấy khoa học nước nhà đang dần khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch Hội đồng cơ khí và tự động hóa: "Ban tổ chức giải thưởng VIFOTEC nên nghĩ cách để thu hút nhiều hơn nữa lực lượng khoa học cả nước tham gia. Bởi còn rất nhiều đề tài có hàm lượng khoa học cao, ý nghĩa thực tiễn lớn đang nằm trong ngăn kéo. Đây không phải lỗi của nhà khoa học mà vấn đề là nhà quản lý, các cơ quan chức năng cần khai thác kết quả nghiên cứu này của họ".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi khoa học đồng hành với đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.