Từ những va chạm giao thông rất nhỏ trên đường, không ít người sẵn sàng lao vào ẩu đả, bất chấp hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Va chạm là ẩu đả
Đêm 2-4, cán bộ trực ban CAP Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội nhận được tin báo của người dân tại khu vực đầu phố Đỗ Quang - Trần Duy Hưng đang xảy ra một vụ đánh nhau. Khi tổ công tác của CAP Trung Hòa có mặt, 2 người đàn ông vẫn đang lao vào đánh đấm nhau túi bụi. Ngay lập tức, họ đã bị CAP Trung Hòa ngăn chặn, đưa về trụ sở CAP.
Danh tính những người này được làm rõ là Nguyễn Viết Hà (SN 1972, HKTT tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) và Ngô Văn Pháp (SN 1992, HKTT tại Xuân Trường, Nam Định). Ngồi tại CAP, cả 2 vẫn liên tục “tố” lẫn nhau, nhận mình là bị hại.
Thông tin với phóng viên ANTĐ, chỉ huy CAP Trung Hòa cho biết: Nguyên nhân dẫn tới sự việc rất đơn giản, chỉ bởi… tiếng còi xe.Trước đó, ông Hà và gia đình đón taxi đi ăn. Trên đường từ Nguyễn Chí Thanh xuống Trần Duy Hưng, chiếc xe taxi gia đình ông Hà ngồi liên tục bị Ngô Văn Pháp là lái xe taxi đi ở phía sau bóp còi xin đường.
Ông Hà mở cửa kính ngó đầu ra “nhắc nhở” thì bị Ngô Văn Pháp chửi lại. Khi đến ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh gặp đèn đỏ, ông Hà đã mở cửa xe lao xuống đánh Nguyễn Văn Pháp.
Cũng không phải dạng vừa, Pháp tiếp tục đuổi theo phía sau. Đến phố Đỗ Quang, Pháp bất ngờ lao lên chặn đầu và xông vào đánh lại ông Hà. Sự việc chỉ dừng lại khi CAP Trung Hòa can thiệp kịp thời và may mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Không may mắn như 2 người trên, vào đầu tháng 3 vừa qua Nguyễn Văn Phương ở Hà Nam đã bị 1 lái xe ô tô đánh vỡ đầu. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc va chạm giao thông trên đường Trần Nguyên Hãn, phường Định Công, Hoàng Mai, giữa Phương và một lái xe ô tô.
Sau khi đuổi kịp xe ô tô, Nguyễn Văn Phương dùng dao tấn công người lái xe này. Lái xe ô tô trên cũng vớ chiếc điếu cày của người dân để ở bên đường lao vào đánh vào đầu đối thủ khiến Phương gục xuống bất tỉnh. Nhờ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên nam thanh niên trên đã không bị nguy hiểm đến tính mạng.
Chỉ cần một va chạm nhẹ, những lái xe trên đường sẵn sàng dùng nắm đấm lao vào nhau để giải quyết |
Gieo họa vì thói côn đồ
Không chỉ lao vào đấm đá, hành hung nhau đến mức độ kẻ bị thương, người thiệt mạng, đáng lo hơn chính những cái “đầu nóng” này còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác trên đường. Người dân chắc hẳn chưa quên 2 vụ TNGT liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp chỉ trong đầu tháng 11-2015 vừa qua.
Tối 13-11-2015, 2 xe ô tô 4 chỗ và 7 chỗ đã xảy ra va chạm nhẹ trên đường. Bực tức trước thái độ của lái xe 7 chỗ không dừng lại giải quyết sự việc mà phóng xe bỏ đi, lái xe 4 chỗ đã đuổi theo yêu cầu lái xe 7 chỗ là Trần Quang Tuấn (33 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) xuống giải quyết và bị Tuấn hất văng lên nóc capo.
Trên đường bỏ chạy, Tuấn tiếp tục đâm vào đôi nam nữ đi xe máy khiến người phụ nữ ngồi sau bị thiệt mạng. Nam thanh niên điều khiển xe máy cũng bị thương nặng. Kinh hoàng hơn, trước đó 4 ngày, cũng với lý do va chạm nhẹ trên đường nhưng 2 lái xe không chịu xuống giải quyết mà đuổi theo nhau.
Đến cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, chiếc xe taxi đã đâm vào hàng loạt phương tiện khác khiến 1 người chết và 6 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương rất nặng. Lái xe taxi sau khi gây tai nạn cũng hoảng hốt, trèo lên lan can thành cầu vượt lao đầu xuống đường.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội phân tích: Nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng trên xuất phát từ những va chạm rất nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thay vì cùng tìm cách giải quyết trong ôn hòa, đúng luật, các lái xe này đã lao vào tấn công nhau khiến không chỉ nguy hiểm đến tính mạng chính mình mà còn làm người khác gặp họa.
Còn Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đánh giá: Mật độ phương tiện ngày càng gia tăng đông đúc trong khi đường sá, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được cũng tác động không nhỏ tới tâm lý, tính cách hành xử của người tham gia giao thông. Nhưng cũng không thể viện dẫn lý do này để biện minh cho thói côn đồ, vô trách nhiệm của bản thân, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác trên đường. Nhiều trường hợp lái xe thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau cũng vì trước đó thường xuyên uống rượu bia và tâm lý lấy sức mạnh của bản thân để “đè” cái đúng.
Rõ ràng, hiện tượng người tham gia giao thông có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cho thấy, vì quyền lợi cá nhân mà người ta sẵn sàng xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín, thậm chí cả tính mạng của người khác. Do vậy, không chỉ các lái xe, mỗi người dân khi tham gia giao thông trên đường cũng cần phải có đạo đức, có văn hóa giao thông cũng như tương trợ, giúp đỡ và ứng xử với nhau theo đúng quy định của pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.