Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi doanh nghiệp tìm cách “lách” luật

Lâm Vũ| 02/06/2012 07:33

(HNM) - Tại hội thảo


Hai tháng, hơn 8.000 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm

PGS. TS Lê Thị Hoài Thu, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) tìm cách trốn tránh hoặc chậm đóng bảo hiểm cho người lao động bằng cách khai không trung thực về số người lao động mà họ sử dụng. Thực tế cho thấy có sự dây dưa trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động ở nhiều DN. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã lên tới 8.063,8 tỷ đồng, trong đó số nợ BHXH là 6.207,6 tỷ đồng, tập trung ở DN ngoài nhà nước (NN), DN có vốn đầu tư nước ngoài; số nợ BHYT là 1.856,2 tỷ đồng.


Dệt may là một trong những ngành còn nhiều nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Ảnh: Đàm Duy

Riêng tại TP Hà Nội, tính đến hết tháng 2-2012 đã có trên 600 tỷ đồng bảo hiểm bị nợ, tập trung ở hầu hết các đơn vị thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, dệt may, xây dựng cơ bản… Nhiều DNNN có tên tuổi, nợ đọng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trước tình trạng này, BHXH Hà Nội phải sử dụng nhiều biện pháp để đòi nợ, thậm chí là khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, sau khi tòa tuyên án, một số DN không chấp hành phán quyết của tòa, buộc cơ quan thi hành án phải cưỡng chế bằng cách phối hợp với các ngân hàng để trích tiền thanh toán nợ từ tài khoản của DN. Thế nhưng giải pháp này không phải lúc nào cũng có hiệu quả bởi nhiều DN đã tìm ra cách đối phó, chủ yếu là rút hết tiền trong tài khoản mà trường hợp Công ty Cavico xây dựng cầu hầm (Hà Nội) là ví dụ điển hình.

Không muốn thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm, nhiều DN tìm cách đóng bảo hiểm cho người lao động dựa trên mức lương thấp nhất có thể. Theo kết quả nghiên cứu của bà Lê Thị Hoài Thu, các DN chỉ đóng bảo hiểm cho người lao động trên khoảng từ 15% đến 40% tổng thu nhập của họ. Như vậy, có khoảng 60-85% tổng thu nhập của người lao động không được đưa vào cơ cấu đóng BHXH và xét về lợi ích kinh tế, đó là phần thất thu chính của quỹ BHXH hiện nay. Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, số nợ hơn 8.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong 2 tháng đầu năm 2012 chỉ là số nợ tính trên tổng số tiền lương mà doanh nghiệp "tự khai" làm căn cứ để đóng bảo hiểm, khác rất xa so với con số thực.

Cách nào trị bệnh "lách" luật?

Theo giới nghiên cứu, thực trạng trên bắt nguồn từ ý thức trách nhiệm của DN chưa cao. Một nguyên nhân khác là quy định của pháp luật còn có sự bất cập, tạo điều kiện cho các DN vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo quy định, DN sử dụng từ 10 lao động trở lên mới phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều chủ DN đã lách luật bằng cách khai báo không đúng sự thật về số lao động mà họ sử dụng, cố gắng đưa ra con số dưới 10 lao động để khỏi phải thực hiện nghĩa vụ; ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn dưới mức quy định phải đóng bảo hiểm. Ở nhiều nơi, người lao động và chủ sử dụng lao động còn giao kết với nhau bằng cái gọi là "hợp đồng… miệng".

DN, chủ sử dụng lao động cố tình lẩn tránh đóng bảo hiểm là nhằm mục tiêu thu lợi cá nhân. Động cơ ấy thúc đẩy hành động sai quy định, đặc biệt là trong bối cảnh các biện pháp chế tài đối với những vi phạm về trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động chưa đủ mạnh, chưa nghiêm khắc, đủ mức buộc các DN phải tuân thủ. Trong thực tế, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế. Nhìn chung, các cơ quan chức năng chưa quản lý sát lực lượng lao động và thu nhập thực tế của họ, dẫn đến các DN, chủ sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm hoặc đóng không đầy đủ.

Để nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của DN trong việc bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động và cộng đồng, về mặt pháp luật cần xóa bỏ "những cái cớ" để DN trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm (kể cả BHXH bắt buộc, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp) cho người lao động bằng cách quy định DN phải đóng bảo hiểm cho tất cả người lao động có giao kết hợp đồng lao động với DN, không phân biệt quy mô sử dụng lao động và thời hạn của hợp đồng lao động. Với những quy định về mức phạt, cần phải sửa đổi những điều khoản hiện hành theo hướng tăng cao, ở mức mà chỉ cần "dính" phạt một lần là DN không dám tái phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi doanh nghiệp tìm cách “lách” luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.