Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi Đại lễ đang đến gần

Người Lái Đò| 16/05/2010 07:20

(HNM) - Trên địa bàn Thủ đô có ngót nghét 20 đơn vị nghệ thuật tá túc. Đủ các thể loại, từ chèo, tuồng, cải lương đến kịch nói, xiếc, ca múa nhạc. Song đông nhất vẫn là kịch nói, tới 5 đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Kịch Hà Nội và Đoàn kịch Bộ Công an.

Không biết lý do vì sao ngay sau khi người Pháp chiếm Việt Nam lại chọn Hà Nội để diễn kịch nói chứ không phải Sài Gòn. Và vở kịch nói "Chén thuốc độc" - vở kịch thuần Việt của Vũ Đình Long ra mắt khán giả trong những năm 20 của thế kỷ XX đã kích thích những người yêu sân khấu thành lập các nhóm kịch.

Theo thời gian, Hà Nội xuất hiện nhiều các nhóm kịch khác nhau và kịch nói trở thành đặc sản của Hà Nội. Đỉnh cao của bộ môn nghệ thuật này là những năm 1980. Các rạp của Hà Nội dù không có máy lạnh như bây giờ nhưng tối nào cũng đông người xem. Đặc biệt là sau Hội diễn Sân khấu Toàn quốc năm 1985. Sân khấu Hà Nội bừng lên các vở: "Nếu anh không đốt lửa", "Tôi và chúng ta", "Mùa hè ở biển", "Nhân danh công lý", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Ông không phải bố tôi", "15 ngày kháng án"... diễn tới hàng trăm suất vẫn chưa hết khán giả cho dù dân số Hà Nội lúc đó ít hơn thời nay rất nhiều. Các vở "Tôi và chúng ta", "Nhân danh công lý", "Nếu anh không đốt lửa"… có ngày diễn tới 3 suất. Thời ấy, sân khấu thật lắm người tài và tâm huyết. Đạo diễn có Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền... Tác giả kịch bản có Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Sỹ Hanh...

Khi nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ mất vì tai nạn giao thông năm 1988, các kịch bản của ông vẫn được các đoàn dàn dựng và tiếp tục làm nóng sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung. Rồi các vở kịch nói thưa dần, leo lét như ngọn đèn và có lúc bị gió làm tắt. Có nhiều lý do giải thích cho sự vắng lặng của kịch nói và lời giải thích nào cũng có lý, còn cái gì không giải thích được thì đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Cuối cùng chỉ người mê kịch nói, nhất là chính kịch là có lỗi bởi ai bảo yêu thích.

Hà Nội cũng đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản từ năm 2009 cho lễ kỷ niệm 1000 năm và sẵn sàng dựng nếu kịch bản có chất lượng. Thế nhưng, giờ đã là giữa tháng 5 mà các nhà hát vẫn im ắng... Và rồi sau lễ kỷ niệm, sân khấu Hà Nội sẽ thế nào. Có lẽ câu trả lời dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi Đại lễ đang đến gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.