Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khí cung ứng cho sản xuất điện dự kiến vượt kế hoạch

Bảo Hân| 20/05/2023 19:37

(HNMO) - Ngày 20-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thông tin, dự kiến trong năm 2023, Tập đoàn sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ mét khối khí thiên nhiên cho sản xuất điện.

Hệ thống khí PM3 - Cà Mau.

Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 đã được Bộ Công Thương ban hành, sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng quốc gia. Như vậy, Petrovietnam và các bên sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ mét khối khí cho sản xuất điện trong năm 2023.

Trên thực tế, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý I-2023 rất thấp, nên tính đến hết tháng 4-2023, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% kế hoạch.

Trước tình hình nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, Petrovietnam và các bên trong hệ thống đã phối hợp, tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước. Đồng thời Petrovietnam đã thống nhất với Công ty dầu khí Petronas (Malaysia) để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.

Dự kiến trong năm 2023, Petrovietnam sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ mét khối khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ mét khối khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ mét khối ở khu vực Tây Nam Bộ), bằng 104,8% kế hoạch của Bộ Công Thương. 

Tính đến thời điểm hiện nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động. Do vậy, để đảm bảo kế hoạch cung cấp điện, đơn vị điều hành hệ thống phải huy động nhiều nguồn phát điện khác (điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo…).

Đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế), nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ mét khối/năm. Việc dừng hoặc giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và phụ thuộc vào sự hợp tác, chia sẻ của cổ đông. Thêm nữa, việc dừng hoặc giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.

Trước nhu cầu về khí thiên nhiên cho sản xuất điện là rất cần thiết, đặc biệt trong cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống; quy định về vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý để giúp cho chủ đầu tư các nhà máy điện yên tâm ký kết các hợp đồng mua khí dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí cung ứng cho sản xuất điện dự kiến vượt kế hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.