Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi cộng đồng tự bạch

Thu Hiền| 20/07/2011 07:03

(HNM) - Triển lãm "Chuyện ở thành phố: Những giọng nói cộng đồng" vừa khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và kéo dài đến ngày 9-9 là kết quả của việc áp dụng phương pháp tiếp cận mới, dựa vào cộng đồng, mang lại ngôn ngữ mới mẻ và tạo nên sự kết nối nhân văn sâu sắc hơn.

Có đến ba góc trưng bày khác nhau, kết hợp giữa hình ảnh và phim là: "Ðồng nát - người làng ở phố", "Những người thầy thầm lặng" và "Hip hop - cuộc sống của tôi" , nhưng xem ra cuộc sống phía sau những người làm nghề đồng nát thu hút được sự quan tâm nhiều hơn cả. Bởi, cả một thế giới đồng nát với những đôi quang gánh, dép lê, nón cùng những xâu vỏ lon bia, chai nhựa được tái hiện một cách chân thực. Bên cạnh đó là chiếc giường có một chiếc chiếu gấp đôi trải ngang, một chiếc gối có vỏ bọc bằng vải thun và chiếc chăn sờn cũ - góc sinh hoạt nhỏ hẹp của những người phụ nữ thu gom đồng nát.

Công việc thu gom đồng nát, một trong những câu chuyện được kể tại triển lãm.

Nhờ có cuộc triển lãm này, nhiều người phụ nữ lam lũ, mưu sinh bằng nghề đồng nát được bước chân vào bảo tàng và trở thành nhân vật chính trong các câu chuyện kể. Với họ, đó là sự bất ngờ xen lẫn niềm tự hào thú vị. Chị Trần Thị Mỵ, xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, Nam Định kể: "Khi mới vào nghề chúng tôi ngại lắm vì bị người ta coi thường, nhưng tôi nghĩ đồng nát cũng là nghề chân chính nên tôi cố gắng làm để nuôi các con ăn học. Tôi mong muốn qua những cuộc triển lãm như thế này, người đời sẽ có cái nhìn cảm thông hơn với chúng tôi".

Người xem đến với triển lãm còn được nghe những tâm sự vui buồn của các sinh viên quê ở Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội đi làm gia sư. Một góc khác của triển lãm kể về sự khổ luyện, tình bạn, ước mơ hướng tới những điều tốt đẹp của các bạn trẻ đam mê hiphop và cả sự lo lắng của các bậc phụ huynh, sự nhìn nhận chưa đúng của xã hội... "Không giống bất cứ triển lãm hay chương trình truyền hình nào khác, nội dung của những bức ảnh, những bộ phim cộng đồng được kể bởi chính những người trong cuộc đã tạo nên sức hấp dẫn rất riêng", anh Nguyễn Tuấn Anh, trú ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) nhận xét.

Dựa vào cộng đồng, các cuộc trưng bày và các bộ phim đã cho người xem cái nhìn đa diện hơn về một số nhóm người sống ở thành phố. Để có được những hình ảnh độc đáo, hơn một năm qua, các thành viên nòng cốt của dự án "Truyền thông dựa vào cộng đồng tại Việt Nam" do Quỹ Ford tài trợ đã làm việc với từng nhóm cộng đồng, không chỉ để thảo luận đưa ra ý tưởng, xây dựng nội dung, mà còn trực tiếp chia sẻ, quyết định lựa chọn các câu chuyện, hình ảnh, gợi ý về cấu trúc, bố cục cho phim cũng như phần trưng bày. Họ cũng chính là những người đặt tên và chọn nhạc cho phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi cộng đồng tự bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.