Học sinh phấn chấn, rạo rực bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh cũng tỏ ra hồi hộp. Với những người lần đầu có con vào lớp một thì bên cạnh niềm vui còn là cả nỗi lo lắng của họ.
Như… lần đầu đi học
Năm nay, chị Thảo ở Đại La (Hà Nội) có con gái đầu lòng vào lớp một, trường Tiểu học Đồng Tâm. Việc này đã làm cho chị Thảo cảm thấy tự hào và hạnh phúc.
Chuẩn bị cho bé đến trường. (Ảnh: Thiên Linh/ Vietnam+)
Chị Thảo cho biết, chị đưa con đi sắm sửa quần áo và mua cờ, hoa cho ngày khai giảng mà thấy rạo rực, hồi hộp trong lòng cứ như là lần đầu chị được đi học vậy.
Tâm trạng này của chị Thảo chẳng phải không có căn nguyên. Từ khi rời ghế nhà trường đến nay, chị đâu còn phải bận tâm đến việc học. Vậy mà giờ đây, chị lại quan tâm đến cái bút chì, quyển vở, tập sách… của một thời đã xa lắm rồi.
Tuy nhiên, còn nguyên nhân sâu xa khiến chị hồi hộp, đó là nỗi lo bé Vy sẽ thích ứng với việc học như thế nào, bé sẽ ngoan hay hư, học giỏi hay học kém?
Cảm xúc vui, lo lẫn lộn không chỉ riêng chị Thảo mới có mà đó còn là tâm trạng của hầu hết các bậc phụ huynh lần đầu có con vào lớp một. Niềm vui ai cũng giống nhau nhưng nỗi lo thì mỗi người một kiểu.
Cũng là một phụ huynh lần đầu có con đến tuổi đi học, chị Hương ở Long Biên, Hà Nội còn mang sự hồi hộp và nỗi lo lắng hơn chị Thảo.
Theo chị Hương, điều chị lo nhất khi con mình đi học là vấn đề viết của con. Trước nay, bé Phiệt, con trai chị vốn quen viết tay trái. Đến tháng Bảy vừa qua, con chị vào học ở trường Tiểu học Đức Giang mới bắt đầu tập viết bằng tay phải. Do vậy, bé Phiệt bị chậm hơn nhiều so với bạn bè khi cháu viết bằng tay phải.
“Tôi cứ lo viết chậm sẽ gây khó khăn trong việc học của con,” chị Hương giãi bày.
Ở nỗi lo khác, chị Thanh, Hai Bà Trưng, Hà Nội, năm nay có con vào lớp một, trường Tiểu học Đoàn Kết lại băn khoăn về sự nhút nhát của con gái mình.
Chị Thanh kể rằng, con chị rất khó hòa nhập, từ nhỏ cháu đã rụt rè, thiếu tự tin trong việc tiếp xúc với người lạ. Chị e rằng, vào lớp một, khi chưa quen với môi trường bạn mới, thầy mới, bé sẽ khép nép ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp thu kiến thức.
Còn chị Ngọc Anh, Khâm Thiên, Hà Nội lại lo hơn về việc thu xếp thời gian kèm con học.
Chị Ngọc Anh cho biết, vợ chồng chị cùng làm kinh doanh bận rộn tối ngày. Khi con chị còn học mẫu giáo, việc cơm nước và đưa đón bé đi học đều do bà nội đảm nhận. Tuy nhiên, khi con vào lớp một, anh chị phải phân bổ lại thời gian để kèm con học.
“Ngày nào vợ chồng mình cũng chín, mười giờ tối mới đi làm về, phải phó thác con cho bà nội. Giờ đây cháu đi học, vợ chồng mình phải thu xếp, chia cho chồng kèm con vào hai tối cuối tuần, những tối còn lại thì mình kèm,” chị Ngọc Anh kể.
Lưu giữ kỷ niệm
Dù với tâm trạng bộn bề khác nhau của các bậc phụ huynh có con vào lớp một thì với họ việc con lần đầu được tham gia khai trường cũng là một mốc sự kiện đáng nhớ. Vì vậy, bằng những cách khác nhau, các bậc phụ huynh đã tìm cách lưu giữu cho con mình những kỷ niệm đẹp này.
Lo lắng cho Phiệt là vậy nhưng sáng nay chị Hương vẫn hồ hởi chuẩn bị máy ảnh từ rất sớm. Chị mong tự tay mình sẽ chụp và quay lại hình ảnh cậu con trai cưng lần đầu được là học sinh tiểu học.
Cũng mong lưu giữ lại mốc sự kiện này, sáng nay, vợ chồng chị Kim, Yên Phụ, Hà Nội đều xin nghỉ làm để cùng đưa con đi khai trường. Hơn thế, anh chị quyết định, sau lễ khai giảng, cả gia đình chị sẽ cùng ra Hồ Gươm chụp ảnh, vui chơi.
Một số phụ huynh khác thì chọn cách làm bữa cơm thịnh soạn để chào mừng con họ bước vào lớp một.
Như trường hợp của chị Thủy ở Khương Đình, Hà Nội. Chị Thủy cho biết, sáng nay chồng chị đưa con đi khai giảng còn chị Thủy ở nhà làm mâm cơm thắp hương lên tổ tiên rồi mời ông bà hai bên nội ngoại đến cùng ăn bữa trưa, mừng con trai chị ngày đầu đến trường.
“Làm bữa cơm gia đình vừa thân mật, ấm áp đồng thời qua đó tôi cũng muốn con hiểu mọi người quan tâm và mong cháu là học sinh ngoan, giỏi,” chị Thủy nói./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.