Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi ca sĩ “buông câu, nhả chữ”

Hà Thủy Nguyên| 05/01/2010 06:51

(HNM) - Ở Việt

Nam, ca khúc chiếm một vị trí trọng yếu trong lĩnh vực âm nhạc. Một ca khúc gồm hai phần: nhạc và lời, có vai trò tương đương và ảnh hưởng lẫn nhau. Ca sĩ thể hiện tốt bài hát thì không chỉ hát đúng nhạc mà còn phải tôn trọng ca từ đã được nhạc sĩ chắt lọc.

Không hiểu vô tình hay cố ý, không ít ca sĩ, thậm chí là những danh ca gạo cội, đã quên mất tầm quan trọng của việc hát rõ ràng ca từ trong một ca khúc. Nghe kỹ phần biểu diễn của một số ca sỹ có thể thấy không ít lời hát dạng như: "Đấn nướng tôi, thon thả giỏn đàn bầu… Xin hán về người, đấn nướng ơi, xin hán về mè tổ cuống ơi…". Ca sĩ hát đúng nhạc nhưng buông câu, nhả chữ thì hoàn toàn sai. Tại sao họ không thể hát được đúng từng chữ: "Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu…" như đúng với nguyên tác. Có phải hát như vậy, giai điệu sẽ mềm mại hơn chăng?

Một lỗi thường gặp khác thì lại ảnh hưởng kiểu nối âm thường xảy ra ở các ca khúc quốc tế. Với các ca khúc tiếng Việt, ta có thể bắt gặp những trường hợp như sau: "Tấm - máo ấy, bấy lâu nay…" hoặc "Em bên - nanh chân bước đi, trong lòng nghĩ suy gì…". Tệ hơn nữa, có trường hợp còn cộng gộp cả hai lỗi trên: "Màu nắng hay là màu mắn - nem"…

Một thực tế là việc lái âm để phù hợp với nốt nhạc như kể trên sẽ dễ dàng hơn cho ca sĩ trong việc xử lý kỹ thuật thanh nhạc và giai điệu. Các ca sĩ đã quá dễ tính với mình trong việc luyện tập và trau dồi nghề nghiệp. Tuy nhiên ta có thể đặt một câu hỏi: Liệu có phải chính những ca sĩ bậc thầy đã không nghiêm khắc với thế hệ đi sau? Thậm chí, chính chúng ta, những fan của âm nhạc cũng đã quá dễ dãi mà bỏ qua để tình trạng này kéo dài nhiều năm nay.

Hiện nay, trong các trường nghệ thuật, việc giáo dục văn hóa cho ca sĩ bị coi nhẹ. Những bộ môn như triết học, mỹ học, lịch sử, cơ sở văn hóa… thường bị những ca sĩ tương lai bỏ qua. Chương trình học cấp ba ở các trường trung cấp nghệ thuật cũng bị lược bỏ để "tạo điều kiện trau dồi chuyên môn và rèn luyện tài năng". Như vậy, những kiến thức cơ bản để làm "một người bình thường" bị bỏ qua trong khi tài năng vẫn chưa tới đích. Nên chăng, những trường đào tạo ca sĩ ở Việt Nam cần đặt việc giảng dạy kiến thức văn hóa ngang hàng với luyện tập chuyên môn để có thể tạo nên một thế hệ ca sĩ xứng đáng. Ca sĩ có thể tránh được những lỗi trên nếu họ nhận thức đúng đắn được công việc họ đang làm và trang bị cho mình một phông văn hóa đầy đủ. Họ sẽ hiểu một điều rằng, buông câu, nhả chữ cho đúng với tác phẩm là tôn trọng tác giả và công chúng!

Ca hát không đơn thuần chỉ là một nghề, đó là một nghiệp. Con đường ca hát đầy khó khăn và đòi hỏi ca sĩ phải có một nghị lực phi thường. Những ca sĩ chưa đủ tài năng mà đã được đem ra khai thác sẽ gây hệ quả xấu cho chính họ, tạo cho họ những ảo vọng viển vông, nhận thức sai lệch không đúng đắn về âm nhạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi ca sĩ “buông câu, nhả chữ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.