(HNM) - Những ngày cuối năm 2011, Công ty Hàng không Lockheed Martin quân đội Mỹ đã cho ra lò chiến đấu cơ siêu đắt cuối cùng trong serie F-22 Raptor, đồng thời kết thúc chương trình sản xuất loại máy bay tàng hình được cho là hiện đại nhất của quân đội Mỹ này.
Máy bay chiến đấu siêu đắt của Mỹ F-22 Raptor.
F-22 Raptor, hay còn gọi là "chim săn mồi" là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trên thế giới. Với việc áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, "chim săn mồi" được thiết kế như một cỗ máy đa năng, có thể thực thi một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là chiếc máy bay chiến đấu duy nhất có khả năng thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. Hay nói cách khác, F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Hiện tại lực lượng không quân Mỹ đang sở hữu 187 máy bay loại này. Quốc hội Mỹ đã cấm bán loại máy bay này ra nước ngoài vì công nghệ của nó liên quan tới những vấn đề quá nhạy cảm, không thể chia sẻ với các nước khác.
Tuy nhiên, giới phê bình lại cho rằng, "chim săn mồi" chỉ là một dự án tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Giá chính thức của máy bay chiến đấu này là 153 triệu USD, song nếu tính cả chi phí nghiên cứu, phát triển và bảo dưỡng thì số tiền bỏ ra phải gấp đôi con số trên. Dù được phô trương hoành tráng về công năng và sức mạnh, song F-22 Raptor chưa một lần tham gia hành động ở Iraq hay Afghanistan. Ngay cả trong cuộc chiến tại Libya cũng không thấy bóng dáng của "chim săn mồi".
Nhược điểm lớn nhất của F-22 Raptor là không có khả năng trao đổi thông tin với các máy bay chiến đấu khác ngoại trừ máy bay cùng loại (F-22). Một nguồn tin từ báo chí Mỹ cho biết, trong quá trình nghiên cứu sản xuất, do không đủ khả năng trang bị đồng thời cả hai tính năng tàng hình và trao đổi thông tin nên các kỹ sư hàng không của Mỹ đã phải lựa chọn một trong hai phướng án. Hiện nay, F-22 Raptor được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tiêu chuẩn Link-16, nhưng thiết bị này chỉ có khả năng thu thông tin từ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng khác chứ không có chức năng phát hay trao đổi thông tin.
Tháng 10 vừa qua, không quân Mỹ đã phải lần thứ hai ra lệnh "tạm ngừng" các chuyến bay của F-22 Raptor sau khi một phi công xuất hiện các triệu chứng giống như thiếu ôxy trong mô khi đang thực hiện nhiệm vụ. Các nhà phân tích cho rằng căn nguyên của các vấn đề vẫn là một bí ẩn bất chấp những cuộc kiểm tra kỹ lưỡng và các biện pháp an toàn.
Có lẽ vì những nguyên nhân này nên Bộ Quốc phòng Mỹ buộc phải kết thúc dự án "chim săn mồi" và chi 3,7 tỷ USD để nghiên cứu loại máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới dự kiến đưa vào phục vụ trong năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.