Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng về một Việt Nam thống nhất, hòa bình

Phan Thế Hải| 18/04/2023 06:05

(HNNN) - Cuối tuần vừa rồi, nhân có cuộc làm việc với một doanh nhân Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Hà Nội, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ với thành tựu phát triển kinh tế xứ Hàn. Ông này đáp, đại ý đúng là người Hàn Quốc đã đạt được không ít thành tựu về kinh tế, nhưng vẫn phải ngưỡng mộ Việt Nam vì các bạn đã làm được một việc vĩ đại, ấy là thống nhất giang sơn, lãnh thổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28-2-1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khát vọng lớn nhất

Hiện có khoảng 100.000 nghìn người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Họ thường làm việc theo các công ty lớn hay những tập đoàn đa quốc gia. Bạn tôi cũng vậy. Ngoài công việc, người Hàn còn một lý do khác để chọn Việt Nam: Đây là xứ sở yên bình và khi đầu tư làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, họ được cách ly với mối họa chiến tranh - điều luôn ám ảnh người dân hai miền Nam - Bắc Triều Tiên suốt mấy chục năm qua. Nói điều này ra để thấy hòa bình là giá trị vô cùng quý giá mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Đất nước bị chia cắt là nỗi đau mà người Việt đã từng phải chịu đựng. Trong “Tuyên ngôn độc lập” đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Nhà nước Việt Nam độc lập non trẻ mà người Việt Nam có được sau Cách mạng Tháng Tám còn quá mong manh. Các thế lực ngoại bang quyết tâm trở lại chiếm Việt Nam một lần nữa. Khi âm mưu đô hộ không xong, chúng tìm cách chia cắt Việt Nam thành hai miền để kiểm soát một vùng đất chiến lược phục vụ cho mưu đồ bá chủ. Trong khi đó, thống nhất đất nước cùng với hòa bình cho nhân dân Việt Nam luôn là khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Người tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Lời của Chủ tịch một nhà nước non trẻ đã khẳng định ý chí sắt đá của một dân tộc vươn lên làm chủ vận mệnh quốc gia sau những năm trường sống dưới ách nô lệ. Đó không chỉ là ý chí, là mệnh lệnh, mà còn là tình cảm, là khát vọng của một lãnh tụ đã dành trọn cuộc đời để lo cho dân, cho vận mệnh trường tồn của dân tộc. Nam Bộ là cách nói để minh họa cho cả dải đất miền Nam Việt Nam. Bao lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khóc khi đứng bên cây vú sữa trồng trong vườn Bác, tượng trưng cho miền Nam thương yêu còn bị ngăn cách bởi sông Bến Hải, giới tuyến ngăn cách hai miền đất nước.

Thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước lầm than nô lệ, hơn ai hết Hồ Chí Minh hiểu về nỗi đau chia cắt và những mất mát, đau thương của mỗi người dân xứ thuộc địa phải chịu đựng.

Nghĩ về thân phận của người dân, lớn hơn là của dân tộc, chứng kiến những cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã thực hiện cuộc hành trình của mình: “Muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Những năm tháng bôn ba nước ngoài, Người nhìn thấy nỗi đau của những con người khác màu da, khác dân tộc ở khắp nơi trên thế giới. Đó là nỗi đau mất nước, nỗi thống khổ bị xâm lược, bị bóc lột, điều không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở các dân tộc phụ thuộc, nô lệ khác trên thế giới. Từ đó, Người hiểu rằng, điều quan trọng và cần thiết ở mỗi con người, mỗi dân tộc là khát vọng về độc lập, tự do. Cũng chính từ đó, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ý chí giành độc lập, tự do cho Tổ quốc đã trở thành phương châm chỉ đạo toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người. Lời nói ấy đã thể hiện ý chí sắt đá, là nguyện ước của Người khi rời bến Nhà Rồng - Sài Gòn vào năm 21 tuổi và trở về Pắc Bó, Cao Bằng vào mùa xuân năm 1941, khi Người đã 51 tuổi, sau 30 bôn ba khắp thế giới, cũng chỉ vì ba cụm từ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho đất nước và nhân dân mình.

Rời bến Nhà Rồng với hai bàn tay trắng, cuộc đời tranh đấu cho nước nhà thoát ách cai trị của thực dân Pháp, giành lại độc lập rồi tiếp theo đó là đối đầu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược của Hồ Chí Minh là một kỳ tích đã đi vào lịch sử thế giới.

Xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh Khát vọng cháy bỏng là vậy nhưng cuộc đời của Người đã không được chứng kiến ngày giang sơn thu về một mối. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Đoạn kết của Di chúc viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tinh thần này của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Tính đến nay đã qua gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, đời sống người dân được cải thiện một cách toàn diện.

Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Từ khi gia nhập WTO (năm 2006) đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sau hơn 45 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc (năm 1977), Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của tổ chức này như thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021), thành viên Hội đồng kinh tế - xã hội (2016 - 2018), thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021 (được bầu với số phiếu cao kỷ lục: 192/193 phiếu)...

Những thành tựu đã đạt được trong mấy chục năm qua cho phép chúng ta tin tưởng, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây chính là mục tiêu, là ước nguyện “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Bác Hồ kính yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng về một Việt Nam thống nhất, hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.