(HNM) - Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã thay đổi mạnh về diện mạo đô thị. Sự “thay da, đổi thịt” của Thủ đô đến từ công tác xây dựng, phát triển không gian đô thị và đã có những thành công bước đầu. Theo đó, bên cạnh những bước tiến đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội còn phát triển nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới hiện đại, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới, văn minh, hiện đại.
Hạ tầng ngày một hiện đại
Chỉ cách đây hơn một thập niên, người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo đô thị của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy. Với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hơn 10 năm qua, Hà Nội đã có bước phát triển nhanh chóng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị. Sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, là thay đổi về không gian kiến trúc. Không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn. Diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng bề thế hơn, khang trang hơn, hiện đại hơn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã, đang được xây dựng đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hằng năm, đến nay đạt khoảng 9,38% (năm 2015 đạt 8,65%). Giao thông công cộng ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới giao thông đô thị đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống các đường vành đai, các tuyến hướng tâm và các trục chính đô thị. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung và các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài...; các khu đô thị mới hiện đại, văn minh như The Manor, Mỹ Đình, Gamuda, Ciputra, RoyalCity, TimesCity,... đã đem đến bộ mặt đô thị Hà Nội đổi mới, hiện đại.
Quá trình đô thị hóa của Hà Nội còn lan tỏa mạnh theo chiều rộng. Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập và các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận. Nhờ đó, những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm các dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,... Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),... hình thành, trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phát triển đô thị còn thiếu tính bài bản và khả năng thực thi quy hoạch; việc xây dựng các công trình hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị; ô nhiễm môi trường đô thị Hà Nội trở thành "điểm nóng" cản trở sự phát triển... Đây cũng là những vấn đề mà theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, hầu hết các đô thị trải qua quá trình đô thị hóa phải đối mặt.
Hướng tới phát triển đô thị bền vững
Để giải quyết các vấn đề quản lý xã hội, tạo lập môi trường sống tốt cho người dân, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”. Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, mô hình chùm đô thị đã được áp dụng thành công ở nhiều nước, góp phần phát triển kinh tế, quản lý dân số và bảo tồn di sản. Theo đó, quản lý đô thị tốt là yếu tố quan trọng, là yêu cầu cấp bách, là đột phá với Hà Nội để bảo đảm phát triển bền vững.
Để thực hiện định hướng này, UBND thành phố đã triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành; quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, đến nay đã có 31/33 đồ án quy hoạch chung, 26/35 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt. UBND thành phố cũng đã phê duyệt đề cương chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường và thiết kế đô thị hai bên tuyến đường trục chính đô thị được phê duyệt, với mục tiêu quản lý trật tự xây dựng, đất đai, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại.
Xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô; thành phố đã, đang ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tập trung phát triển giao thông công cộng, triển khai đường sắt đô thị Hà Nội gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 300km (tuyến Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội; Ngọc Hồi - Yên Viên và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình...). Tập trung đầu tư hoàn thành các trục hướng tâm, đường vành đai, dự án đường sắt đô thị, mạng lưới giao thông tĩnh nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, địa giới hành chính mở rộng mang đến cho Hà Nội một diện tích đủ lớn để thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, tổ chức sắp xếp lại các phân khu chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị... Xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong đó, việc phát triển các chuỗi đô thị vệ tinh là rất cần thiết, giải quyết các vấn đề của đô thị nội tại.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội cũng xác định nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là phải chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là để thực hiện cam kết của Hà Nội xây dựng thành phố trở thành đô thị "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại" trên nền tảng phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.