(HNMCT) - Với sự kiện ra mắt vở kịch “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long năm 1921, Nhà hát Lớn Hà Nội được coi là nơi đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Từ đó đến nay, Thủ đô đã chứng kiến những thăng trầm của nghệ thuật này mà hào quang của nó vẫn đang là động lực dẫn đường cho hôm nay, góp phần nuôi dưỡng hy vọng kịch sẽ trở thành một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa.
Từ khát vọng “kịch Việt cho người Việt”
Năm 2021, Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 110 năm hình thành, như vậy đã hơn một thế kỷ, công trình này chứng kiến thăng trầm của lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong đó có khát vọng chinh phục đỉnh cao nghệ thuật thế giới của người Việt. Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội ra đời, là nơi để biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như opera, nhạc thính phòng, kịch nói... phục vụ cho tầng lớp quan lại, giới thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Chính công trình nghệ thuật công phu cùng với sự lộng lẫy của nghệ thuật phương Tây đã mê hoặc những trí thức trẻ lúc bấy giờ và nảy sinh trong họ khát vọng chinh phục đỉnh cao nghệ thuật phương Tây, trong đó có kịch nghệ, Việt hóa nó để phục vụ cho người Việt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh, khi đó mới 24 tuổi, lần đầu đến thành phố cảng Marseille nước Pháp dự hội chợ đấu xảo đã ngay lập tức bị hấp dẫn bởi vở kịch “Lecid” của Corney diễn tại Nhà hát Lớn Marseille. Ông “ngây ngất và khát khao” đem cái sân khấu kiểu Tây ấy về cho người Việt thưởng thức. Về nước, với cương vị chủ bút tờ Đông Dương tạp chí, ông đã dịch và đăng tải ngay một số vở hài kịch cổ điển của Moliere: “Trưởng giả học làm sang”, “Người bệnh tưởng”, “Người biển lận”... Sau đó, một số vở diễn cũng đã được dàn dựng nhưng do đạo diễn Pháp thực hiện, chủ yếu cho người Pháp xem. Điều này khiến người yêu sân khấu Việt phải suy tư. Họ ngạc nhiên về khả năng diễn tả xã hội và "cứu chữa" xã hội bằng cái cười hài kịch thông tuệ, sắc bén và hiện đại của kịch Pháp. Nhiều trí thức Việt tự vấn: "Tại sao không tự viết vở kịch Việt Nam, về đời sống xã hội của người Việt Nam, do người Việt Nam diễn, cho người Việt Nam xem?" (Thực nghiệp dân báo tháng 7-1920).
Và rồi vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đã ra đời như một tất yếu, và gây tiếng vang rất lớn. Vở “Chén thuốc độc” lấy đề tài từ xã hội Việt thời đó, với ý tưởng mang tấn trò đời lên sân khấu kịch mà phô diễn "những nét hay, tật xấu của người đời, lấy tư cách những nhà diễn thuyết mà để mình vào trong các vai tuồng, mong vì đời mà cảnh tỉnh”. Ngày 21-10-1921, vở “Chén thuốc độc” công diễn lần đầu trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Báo chí đồng thanh: Đây là một ngày kỷ niệm lớn trong văn hóa sử nước nhà, văn hóa sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long!
Những dấu mốc vàng son
Từ chỗ là một sản phẩm văn hóa du nhập vào Việt Nam theo chân người Pháp, kịch nói đã được Việt hóa, hình thành một nền kịch nói mang bản sắc riêng của người Việt với rất nhiều thành tựu đã gặt hái trong hành trình 100 năm qua. Sau này, kịch nói Việt còn có một cuộc tiếp xúc văn hóa lớn, đó là với kịch nghệ các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, kịch nói Việt đã có một vị thế khác, được thiết lập trên tư thế độc lập của quốc gia Việt Nam, với tâm thế tự chủ của dân tộc Việt Nam, nên đã được tiến hành với chiến lược văn hóa rõ ràng: Học tập, tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, bảo tồn, phát huy bản sắc sân khấu truyền thống dân tộc, đặng làm giàu cho nền sân khấu Việt Nam hiện đại...
Theo PGS.TS Phạm Duy Khuê, kịch nói Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, đặc biệt là giai đoạn 1959 - 1987 được coi là "giai đoạn vàng" khi kịch nói chuyên nghiệp trưởng thành vượt bậc cả về đội ngũ sáng tạo, chất lượng tác phẩm, kỹ xảo và tài năng của các nghệ sĩ... Hiện thực cách mạng và các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đầy đau thương, gian khổ, hy sinh và chủ nghĩa yêu nước đã tạo nên cảm thức mới và trí tuệ mới ở họ, khiến họ trở thành những trí thức văn nghệ sĩ của thời đại và đất nước. Ba thế hệ nghệ sĩ “vàng” đã đưa kịch nói trở thành thể loại xung kích trong nền sân khấu cách mạng Việt Nam; đã dàn dựng hàng nghìn vở diễn, biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ và giao lưu văn hóa sân khấu kịch quốc tế, trong đó có những vở diễn xuất sắc không những được khán giả trong nước suy cảm, trân trọng sâu sắc mà bạn bè thế giới được tiếp cận cũng đánh giá cao.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Huy Quang nhớ lại: Với thế hệ những người trên dưới 70 tuổi thì tuổi trẻ của họ, sân khấu đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, vẫy gọi khán giả với tất cả tình yêu và niềm say mê cuộc sống trong một giai đoạn Hà Nội tràn đầy ánh sáng mới của hòa bình. Có thể nói, dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng suốt 100 năm qua, nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử của nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Những nghệ sĩ được trải qua giai đoạn đầy hào quang ấy của sân khấu cũng không bao giờ có thể quên được cảnh khán giả xếp hàng dài mua vé xem kịch, thậm chí còn phải đặt cả sổ hộ khẩu để có được tấm vé vào “thánh đường nghệ thuật”.
Sẽ là sức bật mới trong công nghiệp văn hóa?
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đóng góp của sân khấu hiện nay có thể nói là khá khiêm tốn, nhưng dường như với nghệ sĩ và công chúng, khát khao phục hưng và biến sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch nói, trở thành một thế mạnh của công nghiệp văn hóa vẫn vô cùng cháy bỏng. Trong Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 10-2021, nhiều nghệ sĩ đã đặt tay lên ngực để ghìm nỗi xúc động khi nói về tình yêu với sân khấu.
“Định lượng” tình yêu ấy bằng những con số, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: Trong suốt 40 năm hoạt động, Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng gần 500 chương trình nghệ thuật phục vụ hàng triệu lượt khán giả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng mới trên 70 chương trình nghệ thuật lớn, gồm các thể loại như: Kịch nói; ca - múa - nhạc; kịch hát; kịch hình thể và nhiều chương trình phục vụ lễ hội du lịch của các tỉnh, thành phố, bình quân mỗi năm xây dựng trên 10 chương trình lớn cùng rất nhiều chương trình đơn lẻ...
Về chất lượng, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội rất tự tin khẳng định: Từ ngày đầu thành lập vào năm 1959, trải qua nhiều thăng trầm, kịch Hà Nội đã khẳng định dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng Thủ đô và cả nước. Chất hào hoa, lịch lãm, những vở diễn đậm cốt cách của người Hà Nội như “Lũy hoa”, “Cát bụi”, “Ngôi nhà trong thành phố” hay gần đây là “Hà Thành chính khí” không chỉ khẳng định vị trí tiên phong trong những đơn vị nghệ thuật Thủ đô mà còn là nền tảng để nhà hát tự bước vào thời kỳ phát triển mới.
Dĩ nhiên, chỉ tình yêu, niềm tự hào quá khứ là chưa đủ, nhưng khi tình yêu đủ lớn thì đó sẽ là động lực để các nghệ sĩ hôm nay khắc phục điểm hạn chế của sân khấu, nối dài ước mơ “kịch Việt cho người Việt” và kịch Việt phải trở thành một thế mạnh của văn hóa Việt mà cha ông đã khởi dựng từ trăm năm trước!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.