Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng cống hiến và lối rẽ nghề nghiệp

Tuấn Việt| 15/08/2010 06:10

(HNM) - Vào dịp tháng tám hằng năm, TP Hà Nội lại tổ chức lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, học viện trên địa bàn. Hoạt động này không chỉ tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc, mà còn là dịp lựa chọn, bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho Thủ đô và đất nước.

Hằng năm thành phố tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc là sự động viên và tôn vinh truyền thống hiếu học của tuổi trẻ. Ảnh: Viết Thành


Trọng dụng người tài
Kể từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã tuyên dương 741 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp học viện, ĐH, CĐ và cũng đã có chính sách thu hút nhân tài, tuyển dụng 59 thủ khoa vào làm các cơ quan nhà nước, sự nghiệp của Thủ đô (trong đó 21 thủ khoa được tạo điều kiện học chuyển tiếp trong và ngoài nước). Có thể nói, dù mới ra trường, công việc bỡ ngỡ nhưng các thủ khoa khi được tiếp nhận vào cơ quan đều có trách nhiệm cao, bắt nhịp công việc nhanh. Tuy nhiên, đội ngũ này phần lớn tập trung ở các ngành y tế, giáo dục; còn với nguồn tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước, sau khi tuyển dụng đều phải tham gia thêm khóa đào tạo tiền công vụ (3 tháng), cộng với quá trình làm việc thực tế mới đáp ứng được yêu cầu. Thực tế của việc tuyển dụng nói chung và thủ khoa nói riêng cho thấy, xu thế tìm việc của các bạn trẻ hiện nay là muốn làm việc ở môi trường năng động, thu nhập cao, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2010, TP Hà Nội tuyển chọn và tuyên dương 120 thủ khoa xuất sắc trên các lĩnh vực, nếu có chính sách thu hút nhân tài tốt thì đây là nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần giải quyết sự "thiếu hụt" của các sở, ban, ngành và đơn vị, quận, huyện. Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hà Nội sẵn sàng nhận hồ sơ tuyển dụng các SV thủ khoa có nhu cầu công tác. Những chuyên ngành mà Hà Nội rất cần là sư phạm, y tế, CNTT, luật, kiến trúc đô thị, hội họa, âm nhạc và môi trường. Sau khi nhận hồ sơ, Sở sẽ lựa chọn và điều chuyển công tác phù hợp với chuyên ngành. Đặc biệt, năm nay Hà Nội sẽ tăng cường điều chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao này đến các huyện khu vực Hà Tây (cũ).

Bà Nguyễn Thị Vinh cũng cho biết thêm: Kể từ ngày 1-1-2010, Luật Cán bộ công chức có hiệu lực, quy định thủ khoa được tuyển thẳng, nên chính sách thu hút nhân tài, tuyển thẳng thủ khoa vào làm việc các cơ quan nhà nước của Hà Nội không còn là chính sách đặc thù nữa. Sở Nội vụ đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể và nghiên cứu, tham mưu cho UBND TP có thêm chính sách để thu hút những người giỏi công tác tại Thủ đô.

Lựa chọn nghề nghiệp

Theo khảo sát của Thành đoàn và Hội Sinh viên Hà Nội, trong số các thủ khoa tuyên dương năm nay có 65% đang đi làm tại các doanh nghiệp (DN), công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc ở lại trường làm giảng viên. Tại buổi gặp báo chí, trong số 10 thủ khoa có mặt thì có 8 thủ khoa đều nói rằng muốn cống hiến cho Thủ đô nhưng không thích vào làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Nguyễn Trung Hiến, quê ở Tuyên Quang, vừa tốt nghiệp ra trường đã được Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông giữ lại trường làm giảng viên. Nguyễn Trung Hiến cho biết, mặc dù gia đình rất khó khăn nhưng bố mẹ vẫn gắng động viên và tạo điều kiện tốt nhất để em học tập. Không phụ lòng bố mẹ, ngay từ THPT cho đến ĐH, Nguyễn Trung Hiến đã nỗ lực trau dồi kiến thức, học tập tốt và liên tục nhận được giấy khen của trường và dù biết ở Hà Nội, các đài viễn thông cũng cần tuyển người, nhưng cậu vẫn quyết định ở lại trường làm giảng viên với mong muốn truyền đạt kiến thức cho các lớp SV sau này, bởi mỗi người có một cách cống hiến khác nhau.

Cao Thị Thu Hoa, sinh năm 1989, thủ khoa Trường ĐH Y tế cộng đồng - là một SV nghèo vượt khó học giỏi và đã được nhận học bổng Nhà nước 6 lần (2006-2010). Hoa kể: "Ngay từ khi còn là SV, em đã làm tình nguyện viên cho Dự án "Nâng cao nhận thức, tư vấn, hỗ trợ về bệnh đái tháo đường" do Viện Nghiên cứu chiến lược phòng, chống bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa quốc gia tổ chức năm 2009, dự án "SV tình nguyện và trẻ em đường phố chung tay phòng, chống HIV/AIDS" năm 2008". Tham gia tình nguyện là niềm đam mê, trước khi diễn ra tuần lễ tuyên dương thủ khoa, Cao Thị Thu Hoa đã tham gia một dự án cộng đồng ở Tây Nguyên. Nghiên cứu, điều tra xã hội học và tình nguyện vì cộng đồng là lựa chọn nghề nghiệp của Hoa.

Đinh Thị Ngọc Tú, thủ khoa Trường ĐH Thương mại Hà Nội là đảng viên trẻ được kết nạp cuối năm 2009 tại trường. Trong 4 năm học, Đinh Thị Ngọc Tú tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học và được nhà trường đánh giá cao. Tiêu biểu là đề tài "Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và giải pháp nhằm tăng hiệu quả cho hoạt động chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam hiện nay", "Một số trao đổi về phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học của SV Khoa Kế toán - Kiểm toán trong điều kiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ". Mong muốn của Đinh Thị Ngọc Tú là được làm việc đúng chuyên ngành đã học, mang tri thức, sức trẻ và lòng nhiệt huyết phục vụ ngành tài chính - ngân hàng của Việt Nam.

Mỗi thủ khoa đều lựa chọn cho mình một lối rẽ nghề nghiệp khác nhau, phù hợp với sở trường, chuyên ngành đã học; nhưng ở họ có một điểm chung, đó là làm gì, ở đâu cũng đều mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng cống hiến và lối rẽ nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.