(HNM) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, chính sách đầu tư công ngày càng thắt chặt dẫn tới nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, thành phố đã điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn 2013-2015. Theo đó, năm 2015, thành phố phấn đấu có 99% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 40% dân số được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế…
Trạm cấp nước tập trung của huyện Thanh Oai. Ảnh: Thúy Nga |
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND thành phố đã duyệt 6 dự án cấp nước sạch liên xã sử dụng ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư gần 1.387 tỷ đồng, tổng công suất 40.000m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 240.730 người dân các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Bảy dự án cấp nước sạch liên xã khác sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cũng đã được thành phố duyệt tổng mức đầu tư hơn 626 tỷ đồng, cấp nước cho khoảng 150.500 người dân các xã thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ, Mê Linh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã duyệt dự án hỗ trợ xây dựng 40.000 bể lọc xử lý nước cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại khu vực khó khăn về nguồn nước và chưa có kế hoạch xây dựng công trình cấp nước tập trung, thời gian thực hiện trong năm 2012-2015. Cùng với việc đầu tư xây mới, thành phố tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát huy hiệu quả 28 công trình cấp nước đã đầu tư nhưng chưa thể đưa vào hoạt động...
7 dự án sử dụng vốn Ngân hàng Thế giới sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2014-2016 nhưng đến nay mới có 3 dự án cấp nước sạch liên xã trên địa bàn huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức đã thi công và hoàn thành 80-90% khối lượng, dự kiến trong quý III-2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng. 3 dự án đầu tư khác trên địa bàn huyện Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công, dự toán, cuối quý III-2015 lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, dự kiến hoàn thành trong quý III-2016. Riêng dự án cấp nước sạch cho các xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tam Đồng (Mê Linh) đã được UBND thành phố phê duyệt các bước chuẩn bị đầu tư, nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2015.
Trong số 28 công trình cấp nước tập trung không hoạt động có 10 công trình tạm dừng, chuyển sang hình thức tăng áp từ hệ thống cấp nước đô thị; 3 công trình được phép thanh lý; 15 công trình xây dựng dở dang được giao các doanh nghiệp đầu tư cải tạo. Đến tháng 6-2015, 15 công trình giao doanh nghiệp đã cấp nước sạch cho 11.675 hộ gia đình với 52.500 nhân khẩu. Dự án hỗ trợ 40.000 bể lọc xử lý nước (có giá khoảng 4,5 triệu đồng/bể) mới được thành phố bố trí 10.000 bể, còn 30.000 bể chưa được ghi vốn. Dù nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2015 nhưng 6 dự án cấp nước liên xã sử dụng ngân sách thành phố đến nay mới được bố trí 40,5/1.387 tỷ đồng trả nợ khối lượng công việc chuẩn bị đầu tư, chưa có vốn để khởi công.
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, nếu các dự án trên hoàn thành đúng tiến độ thì thành phố đạt mục tiêu cung cấp nước sạch nông thôn đề ra. Nhưng tiến độ như hiện nay sẽ khó hoàn thành mục tiêu nếu không được bố trí thêm vốn đầu tư. Lý giải về việc thiếu vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Do nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung năm 2014 và 2015 rất khó khăn, trong khi yêu cầu vốn đầu tư các dự án chuyển tiếp khối nông nghiệp rất lớn, không có khả năng cân đối vốn cho các dự án mới nên các dự án cấp nước sạch liên xã chưa được bố trí kế hoạch vốn để triển khai thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của các sở, ngành, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp nhận, đầu tư 6 dự án cấp nước sạch liên xã...
Có thể nói, kết quả trên đặt ra không ít thách thức cho 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo, bởi dân số nông thôn của thành phố chưa được sử dụng nước sạch khá cao, khoảng 63%. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giải pháp trước mắt, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường với sức khỏe cộng đồng; ứng dụng công nghệ xử lý nước ngay tại hộ gia đình; phát huy nội lực của nhân dân trong việc đầu tư cho lĩnh vực nước sạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn qua các chương trình, dự án. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.