(HNM) - Xuất hiện giản dị với phong cách gần gũi của người Nam bộ, nhà văn của đất mũi Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư đã có buổi giao lưu với bạn đọc Hà Nội vào chiều 18-9 nhân dịp tiểu thuyết
Có thể nói, chưa kể đếntác phẩm, cái tên Nguyễn Ngọc Tư đã ít nhiều tạo được sức hút nhất định đối với công chúng, trong đó có giới truyền thông, bạn đọc trẻ, các nhà văn, dịch giả nhiều lứa tuổi… Không ít bạn đọc đã xin chữ ký của Tư cho cuốn tiểu thuyết "Sông" mà họ vừa sở hữu và có phần thấp thỏm chuẩn bị bước vào một cuộc phiêu lưu mới cùng với những trang viết của cây bút Nam bộ đặc sắc này.
Phải nói rằng "Sông" là câu chuyện dài - cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tư. Người ta sẽ tò mò bởi người từng thành công với viết ngắn như chị liệu cũng sẽ thành công với lối viết dài? "Cánh đồng bất tận" với hơn 150 nghìn bản in, trong đó tái bản 29 lần đã khẳng định một Nguyễn Ngọc Tư của truyện ngắn thật ấn tượng. Nhưng một Nguyễn Ngọc Tư của tiểu thuyết thì sẽ ra sao? Đây có lẽ chính là điều thôi thúc chị cầm bút, như chính chị vui vẻ chia sẻ: "Đã từng nghĩ rằng mình sẽ mãi viết ngắn. Nhưng rồi lại thấy mình cũng nên đi tìm một khả năng nào đó của bản thân có thể còn tiềm ẩn, như khả năng viết tiểu thuyết chẳng hạn". Như thế là đã rõ, cái người bạn đã "xúi" chị viết tiểu thuyết này thực ra chỉ là một cú hích cho những nung nấu bấy lâu trong nhà văn. Chưa bàn đến hay dở, nhưng mỗi lần chảy đi là một lần sông mới hơn, phù sa được bồi đắp màu mỡ hơn.
Trong lần xuất hiện thứ hai để ra mắt sách này, bạn đọc cũng đề cập trực tiếp tới những nội dung trong tiểu thuyết "Sông". Bị xoáy nhiều nhất là mấy vấn đề có vẻ thời thượng "đồng tính, sex và phượt" được cài cắm trong số phận nhân vật, trong hành trình của những người trẻ tuổi đi tìm chính bản thân mình trên một dòng sông tâm tưởng và một dòng sông hiện hữu - sông Di. Nguyễn Ngọc Tư cho rằng: Đó là những số phận, qua đó thể hiện chủ đề tác phẩm - những chia ly, đổ vỡ trong các mối quan hệ, những khao khát là chính mình, sống tự nhiên như một dòng sông…
Về điều này, một cây bút từng giành giải Văn học tuổi 20 là Mai Anh Tuấn đã "nói thêm" hộ Tư. Rằng dòng sông Di và những địa danh, hành trình, cột mốc… có tính du khảo, hay là mấy yếu tố tưởng thời thượng trên thật ra chỉ là cái vỏ để nữ nhà văn gửi gắm dự cảm, băn khoăn của mình.
Vậy thì, nếu Nguyễn Ngọc Tư tự làm mới được như sông và cũng giữ được sự tự nhiên như sông thì hẳn là tiểu thuyết của chị sẽ có ích với độc giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.