Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khao khát đưa sách Việt ra thế giới

Dương Quỳnh| 22/01/2020 07:58

(HNMCT) - Liên tiếp trong 5 năm (2015 - 2019) góp mặt tại Hội Sách quốc tế Frankfurt (Đức) và hàng loạt hội sách quốc tế tại Bologna (Italia), London (Anh), Thượng Hải (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Jakarta (Indonesia)..., Trần Thị Nga luôn tâm niệm “phải đi thật nhiều để có cái nhìn đa diện về sự phát triển của ngành Xuất bản và văn hóa đọc ở các nước”. Không ngừng học hỏi, đến nay, nữ doanh nhân "start-up" 40 tuổi này được người trong nghề biết tới với "tinh thần chiến binh" trong làng xuất bản, đặc biệt là khao khát đưa sách Việt ra thế giới.

Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc Trần Thị Nga (phải) giao dịch với đối tác tại Hội sách quốc tế Frankfurt.

Đi một ngày đàng

Vì sao một cô gái sinh năm 1979, Thạc sĩ ngành ngôn ngữ học tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, cử nhân Truyền thông đại chúng của Trường Đại học Oklahoma (Mỹ) - có thể nhận mức lương rất cao nếu làm cho các tập đoàn truyền thông lớn tại Việt Nam - lại quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nhiều khó khăn, lợi nhuận không cao như giao dịch bản quyền? Trần Thị Nga chia sẻ về lựa chọn này của mình: “Tôi yêu sách, mê sách, ham đọc sách từ nhỏ, và luôn cảm thấy gắn bó với sách như có một lực hút nào đó. Chính vì vậy, dù theo đuổi công việc không dễ mang lại lợi nhuận cao, nhưng tôi tự hào có thể góp phần phát triển thị trường giao dịch bản quyền ở Việt Nam, qua đó, hỗ trợ ngành Xuất bản và phát triển văn hóa đọc”.

Nhắc lại lần đầu đến Hội Sách quốc tế Frankfurt vào năm 2015, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc Trần Thị Nga vẫn nhớ cái cảm giác choáng ngợp và thú vị khi được chứng kiến quy mô sự kiện, sự tụ hội của không chỉ những người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, mà cả các chính trị gia, các nhà kinh doanh, người nổi tiếng tại hội chợ: “Đây thực sự là một thế giới thu nhỏ, xứng tầm hội sách lớn nhất thế giới với hàng nghìn hoạt động lớn, phản ánh diện mạo và các xu hướng phát triển trên lĩnh vực xuất bản của các quốc gia, châu lục... Tôi đã được gặp nhiều tác giả, đại diện các nhà xuất bản, nhà in lớn, tham gia chia sẻ, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại các diễn đàn”.

Ở chuyến đi học hỏi đầu tiên ấy, Trần Thị Nga đã phần nào hình dung được thị trường giao dịch bản quyền xuất bản qua sự góp mặt của hơn 700 công ty chuyên về dịch vụ này. Và điều Nga tiếc nhất chính là việc thị phần giao dịch bản quyền ở Đông Nam Á khi ấy hầu như đều nằm trong tay một số đại lý của Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Tự thấy phải nỗ lực và trải nghiệm nhiều hơn nữa, Trần Thị Nga tiếp tục học hỏi tại hàng loạt hội sách quốc tế ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Bologna (Italia), London (Anh), Jakarta (Indonesia), Singapore...

Trần Thị Nga cho biết: “Tôi đặc biệt quan tâm đến mảng sách giáo dục và sách dành cho thiếu nhi, vì vậy, khi khởi nghiệp, hai thị trường đầu tiên tôi muốn nhắm đến là Đức và Nhật Bản - hai nền xuất bản lớn và uy tín hàng đầu thế giới trong thể loại sách này. Ngay ở kỳ hội sách tại Frankfurt năm 2015, tôi đã làm việc với một số nhà xuất bản lớn của Đức và trở thành đại lý về giao dịch bản quyền và dịch vụ xuất bản của họ tại Việt Nam. Nhưng với thị trường Nhật Bản, tôi phải mất gần hai năm mới có thể tiếp cận và được các nhà xuất bản của Nhật Bản tin tưởng hợp tác”...

Với Trần Thị Nga, bài học chinh phục các đối tác ở xứ Mặt trời mọc đặc biệt giá trị, mang ý nghĩa tích lũy kinh nghiệm về giao tiếp văn hóa trong kinh doanh. Sách của Nhật Bản chất lượng tốt, tính thực hành và vận dụng cao, dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên, ngày, đầu dù trải nghiệm rất nhiều tại hội sách rộng lớn, đi bộ đến sưng chân, mỏi gối nhưng kết quả không được bao nhiêu. Những bức email viết bằng tiếng Anh của cô gửi tới một số nhà xuất bản lớn ở Nhật được phản hồi không mấy dễ chịu. Rồi cô mời một người Nhật làm việc cho công ty, chuyên hỗ trợ việc viết thư giới thiệu bằng tiếng Nhật, thể hiện thái độ thực sự chân thành, theo đúng nghi thức của họ.

Trần Thị Nga nhớ lại: “Khởi đầu vô vàn khó khăn vì các nhà xuất bản lớn ở Nhật khi ấy chưa hiểu biết nhiều về thị trường xuất bản Việt Nam, họ rất ít sử dụng tiếng Anh trong giao dịch, nghi thức giao tiếp cũng rất khác... Trong khi đó, giá trị bản quyền một cuốn sách không quá lớn, trung bình chỉ 1.000 - 1.500 USD/cuốn”...

Vất vả là thế nhưng cũng thật bõ công, bởi sau lần đầu tiên giao dịch bản quyền thành công với hai tác phẩm Bước chạy thanh xuân và Thánh giá rỗng của hai tác giả lớn là Miura Shion (cây viết tiểu thuyết lãng mạn nổi tiếng) và Higashino Keigo (một trong ba nhà văn trinh thám hàng đầu của Nhật Bản), đến nay Trần Thị Nga và công ty khởi nghiệp của cô đã trở thành đại lý giao dịch bản quyền quen thuộc tại thị trường này, được nhiều nhà xuất bản lớn tại Nhật Bản coi là “đối tác độc quyền và uy tín”.

Hiện nay Trần Thị Nga đã có đối tác nước ngoài là hầu hết các nhà xuất bản lớn của thế giới, với các dòng sách giáo dục, văn học, khoa học, thậm chí đi sâu cả vào dòng sách chuyên ngành, sách cho đại học. Mỗi năm cô lại đến Frankfurt với mối quan tâm riêng: Năm 2017 là sách “self help”, sách sức khỏe; năm 2018, dòng sách giáo dục từ tiểu học đến lớp 12; năm 2019, dòng sách dành cho khối đại học, chuyên nghiệp, sách nghề, sách về dữ liệu số...

“Định vị” ngành Xuất bản Việt Nam

Tinh thần “chiến binh” của Trần Thị Nga trong lĩnh vực giao dịch bản quyền được người trong nghề trân trọng, bởi ở nước ta, nghề này còn xa lạ với khá nhiều người, “đụng đâu cũng thấy khó”, như nạn in sách lậu, không trung thực trong số lượng bản in, thiếu biên tập viên giỏi... Chưa kể, nhiều đối tác xuất bản ở Việt Nam làm việc thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng bản quyền...

Hiểu rõ thực trạng đó, suốt 5 năm qua, Nga cùng đội ngũ làm công tác đại diện bản quyền đã kiên cường đối đầu với mọi khó khăn để trụ vững và phát triển lĩnh vực giao dịch bản quyền tại một thị trường xuất bản đầy thử thách như Việt Nam, giúp các đơn vị xuất bản Việt Nam dễ dàng tiếp cận bản quyền sách để xuất bản, góp phần phổ biến, cập nhật nhiều sách hay, sách quý, nâng cao dân trí và chất lượng xuất bản.

Thông qua thương hiệu Trung tâm giao dịch bản quyền Con Sóc, hơn 1.000 đầu sách quốc tế đặc sắc và giá trị đã được giao dịch bản quyền thành công tại thị trường Việt Nam, giúp độc giả có thêm nhiều lựa chọn. Mỉm cười tự tin, Trần Thị Nga khẳng định: “Mặc dù hoạt động chính là giao dịch bản quyền sách nước ngoài vào thị trường Việt Nam, nhưng tôi luôn nung nấu ý định giới thiệu và giao dịch bản quyền sách Việt Nam đi nước ngoài, dù việc này khó gấp trăm lần”.

Tại các kỳ hội sách ở Frankfurt vài năm gần đây, Nga luôn tìm mọi cơ hội giới thiệu sách của tác giả và nhà xuất bản Việt Nam tới các nhà xuất bản quốc tế thông qua các hội sách quốc tế, các cuộc làm việc với đối tác quốc tế... Vượt qua sự mệt mỏi, thậm chí là phải bù lỗ, Trần Thị Nga đã có được thành quả đáng ghi nhận.

Cô tự hào chia sẻ: “Một trong những giao dịch thành công mà tôi rất vui, đó là bán bản quyền cho 5 nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Lào bộ sách Toán học thông minh - Math Flip - Flop của Công ty sách Long Minh cho một tập đoàn giáo dục lớn của Đông Nam Á. Bán với giá cao nhé!”.

Trong xu thế phát triển giao dịch bản quyền nội dung số hiện nay, từ năm 2018, nữ doanh nhân trẻ này quyết định mở rộng từ hoạt động xuất bản sang lĩnh vực giao dịch bản quyền nội dung số như audio, video, ebook, dữ liệu số, ở các lĩnh vực giải trí và giáo dục khác như nội dung cho truyền hình, điện ảnh, media, game, phim hoạt hình, phim điện ảnh, phim truyền hình, các chương trình đào tạo online, dữ liệu số... Cuối năm 2019, Trần Thị Nga và đồng nghiệp tại Trung tâm giao dịch bản quyền Con Sóc đã thành công trong giao dịch bản quyền dữ liệu và tài liệu với các trung tâm lưu trữ quốc tế của Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan... cho một dự án triển lãm tái hiện lịch sử Hà Nội đầu thế kỷ XX tại Bảo tàng Hà Nội.

Khép lại câu chuyện, Trần Thị Nga một lần nữa bày tỏ: “Tôi luôn mong muốn giới thiệu được ngày càng nhiều sách, tác giả Việt Nam ra thế giới. Khi chúng ta bán được nhiều bản quyền sách hay nhiều bản quyền nội dung như sách báo khoa học, văn học nghệ thuật... ra thế giới thì chúng ta không chỉ giới thiệu thành công về đất nước, con người Việt Nam, mà còn “định vị” ngành Xuất bản Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới. Đặc biệt, nếu chúng ta phát huy tốt nguồn vốn xã hội hóa trong việc gây dựng quỹ hỗ trợ dịch thuật, hỗ trợ sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tôi tin việc đưa sách Việt ra thế giới là hoàn toàn khả thi”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khao khát đưa sách Việt ra thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.