(HNMO) - Theo thông tin từ Bộ Công an, 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đã bị triệu tập, xử lý, buộc phải gỡ bỏ thông tin sai. Tại Hà Nội, 14 trường hợp đã nhận các mức phạt nghiêm minh. Quá trình xử lý của lực lượng chức năng đã làm sáng tỏ nhiều động cơ, mục đích của những người phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận.
Xử lý nghiêm để răn đe
Người dân thuộc tổ dân phố số 13, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội đã một phen "hú vía" trước khi được cơ quan công an khẳng định nội dung trên bảng thông báo về 4 người trong một gia đình “bị nhiễm vi rút corona” vào đầu tháng 2-2020 là không chính xác. Thông tin này xuất phát từ sự hiểu nhầm của người ghi bảng thông báo.
Gần đây nhất, ngày 17-2, hai trường hợp bị xử lý do đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 là L.T.G (nam, sinh năm 1984, trú tại Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) và K.H.G (nữ, sinh năm 1995, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đều thừa nhận bởi thiếu hiểu biết.
Nhận thức kém, thiếu kinh nghiệm sống hay thiếu hiểu biết pháp luật… là những lý do được những trường hợp vi phạm đưa ra để “biện minh” cho hành vi vi phạm của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, lực lượng công an đã làm rõ, không ít trường hợp cố tình tung tin sai sự thật về dịch bệnh hòng trục lợi. Cụ thể, ngày 11-2, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng với V.L.A (sinh năm 1987, trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Người phụ nữ này được xác định là quản trị viên trang Facebook bán hàng online của cửa hàng sữa, thực phẩm chức năng, đồ trẻ em. Thông tin sai sự thật mà V.L.A cung cấp cho cộng đồng mạng về thuốc điều trị Covid-19 đã giúp đối tượng nhận được đơn đặt hàng với số lượng lớn.
Ngoài những lợi ích vật chất có thể mang lại tức thì nhờ phát tán thông tin sai sự thật, những tin tức giả mạo được tạo dựng và chia sẻ có mục đích còn thỏa mãn sự háo danh trong môi trường mạng xã hội vốn được coi là “ảo”.
Một trường hợp điển hình là đầu tháng 2-2020, Công an huyện Ba Vì phát hiện tài khoản Facebook đăng tải thông tin thất thiệt về dịch bệnh trong nhóm “Hội Đồng hương Ba Vì”. Chủ tài khoản là P.T (sinh năm 1985, trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) đã thừa nhận việc đưa thông tin sai về dịch bệnh do mình tự nghĩ ra để gây sự chú ý trên mạng.
Thực tế cho thấy, các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý đa dạng về độ tuổi, trình độ, từ những người có nhận thức, kiến thức còn hạn chế cho đến những người có học vấn cao; từ người bình thường đến cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng.
Ba nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng đã bị phạt mỗi người 10 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên tài khoản mạng xã hội Facebook, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội.
Đòi hỏi “kháng sinh” đủ mạnh
Trên nhiều khía cạnh, mạng xã hội là ảo nhưng những người sử dụng chúng là thật. Thông tin sai bị phát tán sẽ khiến mối lo lắng, bất an về dịch bệnh trong xã hội lan xa.
Anh Bùi Thanh Vinh (trú tại ngõ 56, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình) chia sẻ: “Thời điểm này, ai cũng quan tâm về dịch bệnh, vậy mà mỗi ngày lại phải tiếp nhận thêm những thông tin không đúng sự thật thì càng hoang mang. Thử hỏi những thông tin này nếu không được kiểm chứng tính đúng sai để ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời, mà cứ thế lan với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội thì hậu quả sẽ như thế nào?”.
Anh Vinh kể chính bản thân mình là “nạn nhân” của tin giả mạo “phun thuốc ngừa dịch trên bầu trời toàn quốc”. Sau khi đọc dòng thông tin trên được chia sẻ bởi một người có uy tín trong gia đình, vì quá lo lắng, anh vội cảnh báo cho không ít bạn bè, người thân.
“Khi biết thông tin hoàn toàn không có thật, tôi thấy ân hận và xấu hổ vì đã bị thông tin giả “dắt mũi”, gây lo lắng thái quá cho nhiều người khác”, anh Vinh nhớ lại.
Rõ ràng, những dòng trạng thái, thông tin chia sẻ trên mạng xã hội thiếu kiểm chứng, thậm chí bịa đặt và giả mạo, sẽ biến thành những phản ứng thực trong đời sống, khiến nhiều người khi tiếp nhận chúng, nếu không bình tĩnh suy xét, sẽ có hành động sai hướng.
Thời gian qua, một số người dân đã tự biến mình thành nạn nhân trong cơn “khủng hoảng” về giá của các mặt hàng như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn phòng dịch hay mua những sản phẩm bị thổi phồng về tính năng phòng dịch cũng là hệ quả từ việc không tiếp cận các thông tin khuyến cáo chính thức từ các chuyên gia và cơ quan y tế.
Chính vì hệ lụy khôn lường của thông tin giả, sai sự thật về dịch Covid-19, gây nhiều bức xúc trong xã hội nên sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của lực lượng chức năng cùng mức xử phạt cao với mỗi trường hợp vi phạm đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình mạnh mẽ của cộng đồng.
Tuy nhiên, song hành cùng sự xử lý, giám sát của các lực lượng chức năng để “làm sạch” môi trường mạng, hơn ai hết, mỗi cá nhân cần hình thành kỹ năng tiếp nhận thông tin từ các nguồn chính thống cũng như nâng cao nhận thức, thẩm định kỹ càng và có trách nhiệm với bất cứ phát ngôn, chia sẻ nào của mình. Đó cũng chính là “kháng sinh” tốt nhất để mỗi người có được khả năng miễn nhiễm trước các tin giả, tin xấu, độc hại khi chúng luôn len lỏi, biến tướng và được ngụy tạo như tin thật để tồn tại và lây lan trên mạng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nghị định mới của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-4-2020 quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây. Một nội dung đáng chú ý là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.