Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhìn lại năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn ngành đạt 3,83% (mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3%).
Kim ngạch xuất khẩu đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Rau, quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%...
Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng; là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực này trong thời gian tới.
Với những kết quả phát triển ổn định, bền vững, ngành Nông nghiệp đã cho thấy bước chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành và thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Một số vấn đề cố hữu lâu nay như “được mùa, rớt giá” hay “giải cứu nông sản”… đã dần được giải quyết qua việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai để hỗ trợ các địa phương kết nối, kịp thời tiêu thụ nông sản.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54-55 tỷ USD. Hiện thực hóa những mục tiêu quan trọng này, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định là “trụ đỡ” của nền kinh tế và quan trọng hơn là giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng triệu hộ nông dân.
Trên tinh thần đó, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cần chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xuất khẩu nông sản của nước ta đang giữ vị thế hàng đầu trên thế giới. Nói cụ thể hơn là cần làm tốt công tác dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa.
Tựu trung, những vấn đề lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - một “trụ đỡ” của nền kinh tế, chính là tiếp tục tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại ngành hàng và thị trường tiêu thụ nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.