Kinh tế

Khẳng định vai trò của Thủ đô trong công cuộc đổi mới

Khánh Ly 03/02/2025 - 07:48

Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 7%/năm; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước; thành phố cơ bản không còn hộ nghèo; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn… là những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới. Những kết quả quan trọng, toàn diện này chính là nền tảng bền vững để thành phố Hà Nội sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

ha-noi-2.jpg
Năm 2024, GRDP của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%) và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quang

Những kết quả quan trọng, toàn diện

Qua gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện đường lối đổi mới, mang lại những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng, toàn diện.

Tại hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô diễn ra năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, 40 năm đổi mới so với lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội không dài; song đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị lẫn năng lực lãnh đạo.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1986 đến nay, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm.

Sau gần 40 năm đổi mới, trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét qua các nhiệm kỳ…

Tính đến hết năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt gần 470.000 tỷ đồng (chiếm gần 94%), đứng đầu cả nước. Thu hút vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 191 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 35 xã so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Đáng chú ý, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, chỉ tiêu giảm nghèo về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà ở xuống cấp.

Chất lượng, trình độ và năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…

Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp cần giải quyết trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh.

Thành phố cũng đề xuất, kiến nghị 9 nhóm vấn đề với Trung ương. Trong đó, xác định rõ các tiêu chí về tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam, về các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; tiếp tục nghiên cứu những tiêu chí cụ thể của con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Thành phố cũng đề xuất tiếp tục làm sáng tỏ lý luận về Đảng cầm quyền để thực sự đổi mới trong thực tiễn, tạo động lực cho quá trình đổi mới.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển nhanh, bền vững

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…

Trên tinh thần quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng.

Năm 2025 và những năm tiếp theo, Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục gương mẫu đi đầu trong sắp xếp bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả; sớm hoàn thành công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp, củng cố cơ sở Đảng, các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Thành phố sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TƯ của Bộ chính trị và Kế hoạch số 258-KH/TU của Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố.

Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; tích cực thực hiện chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai…

Thành phố cũng sẽ triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại... phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số.

Một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố là tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp để khắc phục triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường; từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh… qua đó sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Với nền tảng là thành công trên mọi phương diện cùng những kinh nghiệm, bài học, cùng những giải pháp cụ thể, bám sát thực tế, có thể tin rằng Hà Nội sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới. Qua đó, xứng đáng với vị thế Thủ đô, vai trò đầu tàu của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò của Thủ đô trong công cuộc đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.