(HNM) - Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội đề ra nhiệm vụ: Hà Nội phải hoàn thành trước từ 1 đến 2 năm những mục tiêu cơ bản về công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô.
Theo đó, phải hướng mạnh vào phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, kỹ thuật cao; công nghiệp (CN) có trình độ công nghệ và hàm lượng chất xám cao, giảm tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường; phát triển bền vững gắn với xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp. Hội nghị về "Phát triển CN ưu tiên, CN mũi nhọn của Hà Nội" do Sở Công thương tổ chức mới đây đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy các ngành CN mũi nhọn phát triển mạnh và bền vững.
Tốc độ tăng trưởng đạt 15,81%/năm
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Chế tạo Điện cơ Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm
Từ cuối năm 2008 đến nay, các ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn của Hà Nội đã khẳng định vai trò then chốt, chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của Thủ đô, với tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế mũi nhọn đạt 15,81%/năm, cao hơn mức 11,3% tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành CN. Ước thực hiện năm 2010, ngành kinh tế mũi nhọn đạt 71.621 tỷ đồng, chiếm 68,5% toàn ngành CN.
Kết quả tăng trưởng của ngành kinh tế mũi nhọn Hà Nội không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, mà còn đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN của Thủ đô đạt bình quân hơn 16,3%/năm (cả nước đạt trung bình khoảng 16%) và giữ vững vị trí quan trọng trong phát triển CN của cả nước. Số lao động ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn chiếm tỷ trọng 50% lao động toàn ngành CN của Hà Nội và chủ yếu là lao động đã qua đào tạo, lao động trí thức có trình độ chuyên môn cao. Các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn đã tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ mới: với ngành cơ khí chế tạo, các DN đã đầu tư hệ thống thiết bị gia công hiện đại (máy quét 3D, máy đo 3 chiều, máy tiện CNC, thiết bị đúc phôi thép…), từ đó các trung tâm gia công CNC cũng được thành lập đáp ứng yêu cầu sản phẩm chất lượng cao; các DN ngành điện - điện tử; dệt may - da giày đầu tư dây chuyền tự động hóa; DN ngành chế biến thực phẩm đầu tư thiết bị phục vụ công nghệ sinh học…
10 tháng đầu năm, sản xuất CN trên địa bàn Hà Nội tăng 13,8%, trong đó CN chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng cao nhất (13,9%); kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 38,9%, đưa kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm tăng 22,9%, trong đó có sự đóng góp quan trọng của nhóm hàng CN ưu tiên, CN mũi nhọn, như hàng dệt - may tăng 40,1%; giày dép và các loại sản phẩm từ da tăng 102%; hàng điện tử: 42,9%; sản xuất thiết bị văn phòng: 24%...
Cần ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, trong định hướng phát triển CN giai đoạn 2011-2015, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển các ngành tạo ra sản phẩm có giá trị cao, ngành CN phụ trợ. Đồng thời, từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới là những ngành và nhóm sản phẩm mà Hà Nội có lợi thế, có thương hiệu. Bên cạnh đó, tích cực xử lý việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, phấn đấu tốc độ giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng đạt 10,5-11%/năm.
Nguồn vốn tích lũy GDP để phát triển CN trong thời kỳ này chỉ đáp ứng được khoảng 8-9% nhu cầu về vốn. Số vốn thiếu hụt sẽ được bổ sung bằng các nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố sẽ có kế hoạch bố trí tăng kinh phí ngân sách thường xuyên hằng năm hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN, nhất là hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển CN. Lập quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển để điều phối và cung ứng nguồn tài chính cho các dự án ưu tiên.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của CN đã đề ra, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để mở rộng phát triển các ngành CN trên địa bàn. Theo đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng; thủ tục hành chính với các nhà đầu tư đơn giản, thuận lợi và nhanh chóng; thực hiện tốt công tác quy hoạch không gian CN, tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng liền kề, như đường sá, điện, cấp nước, thoát nước… để thêm tiện ích cho DN khi vào đầu tư CN. Trước mắt, tạo dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN phát triển, theo đó cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành làm tốt hơn vai trò cầu nối, tạo sự gắn kết giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giỏi với DN trong việc nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; gắn kết giữa DN sản xuất và DN thương mại trong hoạt động kinh doanh; tạo điều kiện cho DN trong việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu DN, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là các thương hiệu của DN sản xuất sản phẩm chủ lực, nhóm ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn trên địa bàn Hà Nội để tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm này trên thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có những biến động khôn lường, việc hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đem lại không chỉ là thuận lợi mà còn những ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động này. Do vậy, để thúc đẩy phát triển CN với việc tập trung phát triển các ngành CN ưu tiên, CN mũi nhọn của Hà Nội sẽ góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm giá thành sản phẩm và mở rộng sản phẩm thương hiệu Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.