Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, tiền thân là Công ty San nền thuộc Sở Xây dựng Hà Nội được thành lập ngày 6-10-1971. 40 năm xây dựng và trưởng thành, công ty đã từng bước lớn lên cùng với sự phát triển của ngành xây dựng Thủ đô, đến nay đã trở thành Tổng Công ty UDIC.
Một góc Khu đô thị Nam Thăng Long do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) liên doanh với Tập đoàn Ciputra (Indonesia) đầu tư xây dựng. Ảnh: Trung Kiên
Từ những công trường nhỏ với 100 cán bộ, công nhân chủ yếu là lao động thủ công cùng công cụ thô sơ, nhiệm vụ chính của công ty là đào hố, đắp nền hồ Bảy Mẫu, khu Kim Liên, Trung Tự... tạo mặt bằng xây dựng nhà ở. Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, cùng với việc san nền, công ty được giao thêm chức năng làm đường giao thông. Trong giai đoạn 1988-1990 là thời điểm khó khăn nhất của DN. Tổ chức biên chế lớn, chỉ thi công chuyên sâu về san nền, với thiết bị cũ nát, công việc được giao theo kế hoạch hằng năm không còn. Không lùi bước trước khó khăn, CBCNV công ty đã tự khẳng định mình, vươn lên đứng vững và phát triển trong kinh tế thị trường. Đặc biệt, từ năm 1996, khi mang tên Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, bổ sung nhiều ngành nghề mới, cái tên này đã gắn liền với những bước đột phá và trở thành thương hiệu mạnh trong thị trường đầu tư xây dựng. Những dự án, công trình lớn có thể kể đến là khu A Nam Thành Công, khu nhà bán Yên Hòa, Khu đô thị Trung Yên, tòa nhà 21 tầng 27 Huỳnh Thúc Kháng, KCN Hà Nội - Đài Tư, khu siêu thị Bourbon… Đây là những công trình quy mô và tiện nghi bậc nhất vào thời điểm này. Đặc biệt là việc liên doanh với Tập đoàn Ciputra (Indonesia) đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam Thăng Long với diện tích 392 ha và tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD đã tạo nên một bước chuyển, nâng vị thế công ty lên tầm cao mới.
Từ một DN chủ yếu làm thuê, giai đoạn 2001-2005 công ty đã dần dần vươn lên làm chủ, trở thành DN hàng đầu của Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng với nền tài chính lành mạnh. Tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong SXKD đã tạo nên sự đột phá trong phát triển, gia tăng giá trị thương hiệu UDIC trên thị trường đầu tư xây dựng. Từ ưu thế đó, công ty đã được thành phố chọn làm Công ty Mẹ để hình thành Tổng Công ty UDIC. Tổng Công ty UDIC ra đời trước hết do yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường. Thị trường đầu tư xây dựng ngày càng phát triển, đòi hỏi phải tích tụ, tập trung năng lực sản xuất về quy mô, về tài chính, về công nghệ và trình độ quản lý SXKD. Nhưng, mặt khác việc thành lập Tổng Công ty còn do yêu cầu cải cách hành chính, tách chức năng quản lý SXKD để các sở, ngành tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tổng Công ty nhanh chóng tạo thế và lực mới cho sự phát triển. Tỷ trọng giá trị sản lượng từ hoạt động đầu tư trong tổng giá trị sản lượng của toàn Tổng Công ty đạt 30%. Sau khi có quyết định chuyển thành Công ty TNHH MTV vào năm 2010, Công ty Mẹ đã có những bứt phá, khẳng định thương hiệu với hàng loạt công trình, dự án tiêu biểu như dự án Nam Thăng Long, dự án Hoàng Văn Thụ, dự án phát triển khu đô thị sinh thái Hà Nam, dự án khu du lịch dịch vụ Phú Quốc, cụm CN-TTCN Bình Lục... Công ty Mẹ đã, đang tham gia thi công hơn 100 công trình, điển hình là các công trình lớn, như dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp 900 tỷ đồng, các công trình của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội 365 tỷ đồng, Shopping Mall Nam Thăng Long 217 tỷ đồng, CT1 Nam Thăng Long 712 tỷ đồng, các khối nhà cao tầng do Tổng Công ty làm chủ đầu tư 1.048 tỷ đồng... Đặc biệt, Công ty Mẹ đã hoàn thành, bàn giao đúng kế hoạch cho thành phố 11 công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó 8 công trình được gắn biển chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và hai công trình được Bộ Xây dựng trao cúp vàng tiêu biểu năm 2010. Những công trình như cải tạo công viên Thống Nhất, hồ Hố Mẻ, hồ Ao Vả, xây dựng Công viên Hòa Bình, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống, mang lại diện mạo mới cho Thủ đô. Trong đó, Công viên Hòa Bình, công viên hiện đại nhất của Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên được triển khai đồng bộ trên diện tích hơn 20ha với hàng chục đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công khác nhau.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, hoạt động của Tổng Công ty theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con đã phát huy hiệu quả. Sau hơn 6 năm hoạt động, thương hiệu của Tổng Công ty UDIC đã được khẳng định tạo điều kiện cho các công ty con, công ty liên kết có thể sử dụng trong kinh doanh. Đó là một trong những nguyên nhân chính để nhiều DN bên ngoài tự nguyện trở thành công ty con, công ty liên kết của Công ty Mẹ, đưa con số 25 đơn vị khi đi vào hoạt động lên đến 42 đơn vị như hiện nay.
Thực hiện kế hoạch giai đoạn 2010-2015, Tổng Công ty tập trung cho mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững, bảo đảm các chỉ tiêu tăng trưởng gắn với việc củng cố, ổn định hệ thống chính trị, khẳng định vị thế và thương hiệu UDIC, trở thành một trong những DN hàng đầu của Thủ đô trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhà ở và hạ tầng đô thị; phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 12-15%. Hoạt động đầu tư vẫn là nghề SXKD mũi nhọn, tạo động lực và tiền đề để các ngành nghề khác phát triển. Tăng cường các mối liên kết, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động của Tổng Công ty và Công ty Mẹ ra các vùng miền khác trong cả nước, từng bước ra thị trường quốc tế. Tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Xây dựng văn hóa DN UDIC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.