Xã hội

Khẳng định sức mạnh, bản lĩnh Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024

Hiền Hạnh 17/12/2024 - 09:42

Màn bay chào mừng của lực lượng Không quân ở Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024 góp phần khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thể hiện sức mạnh, bản lĩnh Việt Nam.

Su30-MK2 trình diễn ''Bắn đạn nhiễu bẫy tên lửa''​ tại lễ khai mạc. (Ảnh: TTXVN phát)
Su30-MK2 trình diễn ''Bắn đạn nhiễu bẫy tên lửa''​ tại lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 là hoạt động trọng điểm, tạo điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế, được tổ chức đồng thời với các chương trình, sự kiện nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Để chuẩn bị cho Lễ khai mạc Triển lãm sẽ diễn ra vào sáng 19-12 tới, các lực lượng tham gia đã tích cực tổ chức luyện tập chặt chẽ, bảo đảm chất lượng trình diễn tốt nhất, nỗ lực góp phần làm nên một Lễ khai mạc hoành tráng, mãn nhãn.

Xứng tầm quy mô, mục tiêu của Triển lãm

Một trong những nội dung được mong đợi nhất tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra vào ngày 19-12 tới là màn bay chào mừng của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam, góp phần khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng và thể hiện sức mạnh, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Đây cũng là một phần cụ thể hóa thông điệp chung của Triển lãm lần này: “Hòa bình - Hợp tác - Phát triển”.

ttxvn_cong_tac_chuan_bi_trien_lam_quoc_phong_quoc_te_2024_8.jpg
Phi đội trực thăng biểu diễn chào mừng. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Để chuẩn bị tốt nhất, xứng tầm với quy mô, mục tiêu của Triển lãm lần này, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 371 xây dựng nội dung bài bay phức tạp hơn, độ khó cao hơn so với Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, năm 2022.

Ngoài số lượng máy bay của Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tăng cường máy bay từ hai Sư đoàn Không quân 370 và 372 cùng tham gia với tổng số 18 máy bay: 9 chiếc Su-30MK2 và 9 trực thăng vũ trang, trong đó có 14 chiếc chính thức và 4 chiếc dự bị.

Điểm nhấn của nội dung bay chào mừng năm nay là đội hình 4 chiếc Su-30MK2 bay ở tầm thấp, thực hiện nhiều động tác cơ động đẹp mắt như tăng lực, lên gấp, lộn lên, khoan và thắt vòng đứng.

Đại tá Nguyễn Như Khoát, Chính ủy Sư đoàn Không quân 371, cho biết đây đều là những khoa mục động tác cao cấp, với độ khó rất cao, không hề thua kém trình độ bay của các quốc gia trên thế giới. Bài bay được thực hiện ở tầm thấp, trong điều kiện khí tượng miền Bắc đang trong giai đoạn phức tạp, do đó đòi hỏi phi công phải có trình độ rất cao.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó phi đội trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, là một trong những phi công sẽ tham gia bay chào mừng tại lễ khai mạc triển lãm.

Ngay khi nhận được kế hoạch của cấp trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải cùng đồng đội đã xây dựng kế hoạch và làm tốt công tác chuẩn bị, từ nghiên cứu lý thuyết máy bay biên đội ba chiếc, bốn chiếc, đặc điểm bay ở tầm thấp, số liệu, phương thức đường bay trình diễn, địa tiêu, địa vật, khí tượng khu vực sân bay Gia Lâm.

So với bay thực hiện nhiệm vụ khác, đặc thù bay trình diễn có nhiều sự khác biệt. Khó khăn nhất đối với anh và đồng đội trong khi bay trình diễn là phải phối hợp hiệp đồng với các máy bay trong đội hình để tạo ra quỹ đạo bay đẹp mắt mà không tiếp cận gần với các máy bay trong đội hình và các tốp bay khác, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Do đó, nội dung hiệp đồng đã được thực hiện tỉ mỉ, cụ thể giữa các phi công buồng trước, buồng sau, trong cùng một máy bay và giữa các máy bay trong tốp, giữa các tốp bay với chuyến bay dẫn đường theo các phương án đã được thống nhất chung để tạo nên một màn trình diễn đẹp mắt nhất trước toàn thể đại biểu tham dự Lễ khai mạc và nhân dân Thủ đô.

Thể hiện tinh hoa võ thuật đặc sắc của dân tộc

ttxvn_cong_tac_chuan_bi_trien_lam_quoc_phong_quoc_te_2024_2.jpg
Phi đội Su30 MK2 sẽ biểu diễn chào mừng trong ngày khai mạc Triển lãm. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là lực lượng được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ.

Trong các dịp lễ lớn, kỷ niệm quan trọng của đất nước và Quân đội, Đặc công luôn là một trong những lực lượng được giao trọng trách trình diễn những kỹ năng, nghệ thuật tác chiến thể hiện sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Phục vụ Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Binh chủng Đặc công đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, với nòng cốt là Trường Sĩ quan Đặc công, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 và Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1.

Tại Lễ khai mạc, lực lượng Đặc công tham gia các tiết mục: “Tre Việt Nam”, “Việt Nam đất nước con người”, “Quân đội ta Quân đội Anh hùng”, “Hào khí Việt Nam”, “Khát vọng hòa bình kết nối 5 châu.”

Trong số đó, nổi bật là tiết mục "Hào khí Việt Nam” với thời lượng gần 10 phút, bao gồm phần biểu diễn trống trận, cờ trận, võ đồng diễn xếp chữ và võ cổ truyền với các màn đánh võ đối kháng, Nam long quyền, Cao xung thiên, song côn nhị khúc, song đoản khúc, khí công.

Các đại biểu trong nước, quốc tế cùng nhân dân cả nước và bạn bè thế giới sẽ được chiêm ngưỡng những phần trình diễn đặc sắc, thể hiện sức mạnh của võ thuật Đặc công và Bộ đội Đặc công - sự đúc kết từ những tinh hoa võ thuật đặc sắc của dân tộc và nghệ thuật đánh giặc độc đáo của ông cha, với hào khí của dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước, đồng thời phát huy nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều.”

Theo Đại tá Tạ Hồng Quang, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Đặc công, ngoài thông điệp chung của Triển lãm lần này, Bộ đội Đặc công mong muốn truyền tải thông điệp về sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đến với nhân dân cả nước và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định sức mạnh, bản lĩnh Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.